Gia đình tôi trước kia ở Lào Cai, chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra khiến cho mỗi người một nơi. Cha tôi thì trong quân ngũ, đơn vị đóng tận Ninh Bình. Mẹ tôi dạy học ở Yên Bái, đứa em gái út sinh năm 1980 ở cùng với mẹ. Đứa em gái kế sau tôi thì ở với bà dì mãi tận Bảo Yên. Còn tôi được gửi ở nhà ông bác ruột mấy năm, đi học mẫu giáo, vỡ lòng, rồi vào lớp một. Tết đến, cả nhà tôi về ăn tết cùng gia đình bác.

Tôi vẫn còn nhớ những lần về Hà Nội. Có thể đó là một chuyến xích lô từ ga về, trong đêm khuya, phố xá hoang vắng dài hun hút, hiu hắt ánh đèn đường. Hoặc đó lại là một buổi chiều tà, phố xá bắt đầu lên đèn. Rời nhà ga, mẹ con tôi lên một chiếc tàu điện. Ngoài ô cửa sổ tàu điện, bầu trời chạng vạng in bóng những dáng hình liêu xiêu của phố xá lướt qua, tiếng leng keng, ánh chớp lẹt xẹt tia lửa điện trên cao do những toa tàu điện gây ra, tất cả nhòe nhoẹt trong nước mắt tôi. Mẹ cố hát ru tôi ngủ, nhưng càng làm tôi khóc tợn, đó là năm 1979, tôi mới lên năm tuổi, và tôi sắp phải xa mẹ.

Bố tôi từ đơn vị về thăm, rồi bố lại đi. Tôi chạy theo tìm bố, từ khu lao động Tân Mai cho đến tận Chợ Mơ. Một ai đó tốt bụng khi thấy tôi khóc trên tàu điện đã hỏi han rồi đưa tôi về tận nhà.

HN-1.jpg
Phố Tràng Tiền năm 1986

Vì thế dịp Tết được sum họp gia đình, với tôi thật hạnh phúc biết mấy. Những bánh pháo tép xanh đỏ còn cứng nguyên vết hồ. Mùi hương trầm thơm ấm áp. Họ hàng dưới quê mang lên món bánh lá nhân thịt có một hương vị thật đặc biệt. Khu lao động Tân Mai hồi đó là vô số những dãy nhà tạm cấp bốn chạy dài, lụp xụp. Bình thường nó mang một dáng vẻ buồn thảm nghèo nàn với những bức tường loang lổ, những mảnh vườn cúc tần và dâm bụt mọc hoang dại. Người ta đem tất cả những tấm thép đồng nát từ nhà máy cơ khí thải ra về chắp vá thành hàng rào gỉ nát, đó là những tấm thép dập đủ hình thù, từ mắt xích xe đạp, hình tròn như đồng xu, hình tam giác, hình vuông... thật kỳ lạ, chúng in sâu vào trong tâm trí tôi, bởi những hình kỷ hà buồn tẻ lặp đi lặp lại đều đặn của nó.

Rồi dây tơ hồng tha hồ leo trên những bụi cúc tần, càng làm cho mọi thứ trở nên giống như đã bị loài người bỏ quên. Những chiếc cột điện trơ trọi, ban đêm bóng đèn vàng vọt tù mù rọi xuống một quầng sáng yếu ớt. Vòi nước máy công cộng rỉ từng giọt, với những xô thùng xếp hàng xung quanh.

Nhưng khi Tết đến, trong mắt tôi tất cả những vẻ xấu xí ấy bỗng biến mất. Bác tôi lôi trong tủ ra một chùm đèn nhấp nháy nhiều màu, mà các bóng chỉ được sơn phết màu một cách đơn giản, nhưng như thế cũng đã là xa xỉ lắm rồi, nó chỉ được dùng duy nhất một lần trong năm, vào cái dịp đặc biệt này. Thường thì nó sẽ được treo lên một cành đào phai lớn, mà một ông chú nào đó sẽ đem về từ Sa Pa, đó là một thông lệ. Bác tôi là trưởng họ, và mọi người về ăn Tết từ khắp nơi sẽ tự động đem góp một vài thứ cây nhà lá vườn nào đó. Vài chiếc bánh chưng, bánh lá, chục cân gạo nếp, đỗ xanh, cành đào, cây quất, chai rượu, bánh pháo, khúc giò… Thế là đại gia đình cùng ăn Tết chẳng thiếu thứ gì.

Chợ hoa Hà Nội năm 1982

Chợ hoa được tổ chức ở công viên Lênin, anh em tôi cùng các anh chị em họ được bố mẹ và cô dì chú bác đưa đi chơi. Tôi vẫn còn giữ bức ảnh đen trắng chụp cùng ông anh họ, trên tay cầm quả bóng bay, đầu đội chiếc mũ len mẹ tôi đan, ngay gần chiếc cầu cong cong bắc ra hòn đảo nhỏ. Không hiểu sao trong ảnh trông tôi vẫn có vẻ u buồn. Tôi chỉ thực sự cười khi bước chân vào nhà gương dị dạng. Không rõ bây giờ nó còn tồn tại hay không, nhưng hồi đó nó là một thứ không thể bỏ qua.

Trong công viên còn trưng bày một chiếc máy bay trực thăng và một chiếc Mic phản lực, là thứ thu hút tôi mãnh liệt hơn cả, thậm chí tôi không còn quan tâm đến vô số những trò chơi khác mà người ta bày ra quanh đó. Tôi cũng không quan tâm đến quần áo đẹp hay bánh kẹo. Tôi chỉ thích được bố mẹ đưa đi khám phá những nơi mới lạ, nơi nào cũng được, miễn không phải là xóm lao động nghèo toàn những chiếc xích lô và cống rãnh.

Rồi thời gian trôi qua, tôi lớn dần. Tôi còn nhớ những chuyến tàu đêm chạy qua cầu Long Biên, tiến vào Ga Hàng Cỏ. Từ trên cao dọc phố Phùng Hưng, qua cửa sổ tàu, những cảnh sinh hoạt đời thường của người dân lướt qua. Một gia đình đang ăn cơm. Họ đi lại trong nhà. Ánh đèn từ nhà họ hắt ra, màu vàng vọt của đèn sợi đốt, màu sáng xanh của đèn neon, chao ôi là kỳ lạ! Thường khi đó tôi cảm thấy cay cay sống mũi.

Những ô cửa sáng đèn, mãi sau này tôi mới hiểu đó chính là sự sum họp mà tôi thèm khát, nó luôn toát ra một vẻ bí ẩn quyến rũ, nhất là khi ngắm từ xa, hoặc khi nó trôi lướt qua như thế, khi đoàn tàu chạy chậm dần và đến cuối hành trình. Nơi đó, có một mái nhà, với những vòng tay người thân chờ đón tôi.

Phải chăng đó chính là ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết?./.