Lật giở những bức ảnh của đồng đội năm xưa, ký ức về một thời đạn bom khốc liệt trong những trận chiến tại mặt trận biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) lại ùa về với đại tá Trần Phi Hùng, nguyên phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La.
Đại tá Trần Phi Hùng cho con, cháu xem lại kỷ vật năm xưa |
Từng có 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu tại Mặt trận này, với nhiều cương vị như đại đội trưởng thông tin, tiểu đoàn trưởng, trưởng ban tác chiến sư đoàn 314 Vị Xuyên, trung đoàn trưởng trung đoàn 754, ông cho biết: "Công tác dự báo trước tình hình, công tác chuẩn bị cho từng trận đánh rất chu đáo. Nhiều trận các đồng chí chỉ huy mặt trận trực tiếp xuống hướng dẫn, huấn luyện anh em chi tiết. Chính vì vậy mà ta không hề bị động trước việc ngày 17/2/1979, Trung Quốc thực hiện cuộc tiến công quy mô lớn tại các tỉnh biên giới phía Bắc; rồi ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công lần thứ hai vào biên giới Việt Nam, tập trung đánh chiếm vào biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang). Tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sỹ ta càng dâng cao, không hề nao núng".
Đại tá Trần Phi Hùng kể lại trận chiến với địch ngày 19/10/1986: “Lúc đó là 12h trưa. Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì nghe tiếng pháo nổ rất dồn dập thì biết là địch đã tiến công. Pháo binh của địch đã bắn trên tất cả các điểm cao của toàn bộ tuyến phòng ngự. Và địch đã dùng trung đoàn tăng cường tiến công vào tiểu đoàn 8, trung đoàn 3 của chúng tôi. Sư đoàn đã cho pháo 122 ly bắn trùm vào trận địa của tiểu đoàn 8. Kết quả của đợt bắn trùm đó là địch đã bị chết rất nhiều, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng một trung đoàn tăng cường của địch”.
Những bức ảnh quý giá được ông Hùng lưu lại. |
Cũng như Đại tá Trần Phi Hùng, Thượng tá Phạm Xuân Trường, quyền đại đội trưởng thuộc trung đoàn 754 Sơn La trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên từ năm 1985-1989, nguyên trưởng Ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Sơn La, cũng không bao giờ quên được những năm tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của bộ đội ta để bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Ngay sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng thủ, xây dựng phương án chiến đấu đánh chiếm một số điểm cao bị địch chiếm giữ, đơn vị được Quân khu II giao nhiệm vụ tiến công, đánh chiếm 4 hầm địch. Sau khi trinh sát kỹ lưỡng, 5h sáng 5/7/1985, trung đoàn nổ súng tiến công, đại đội 6/dB8 tổ chức xung phong tiêu diệt địch tại 4 hầm.
Sau 45 phút chiến đấu, đơn vị đã tiêu diệt toàn bộ địch tại các hầm, cắm cờ Tổ quốc trên điểm cao 685.08.00 và làm chủ được trận địa. Địch đã từng hoang mang, lo sợ còn bắn đi truyền đơn với nội dung “Một trung đoàn sơn cước từ hướng Tây Bắc sang chi viện cho Đông Bắc, trên vai mỗi người lính 35 kg, chân không giày, dép, vượt núi tai mèo nhanh như sóc".
“Tuy tuổi đời của các chiến sĩ còn rất trẻ nhưng anh em chiến đấu rất anh dũng. Đúng như lời Bác Hồ nói, đất nước bị xâm lăng thì tinh thần đó kết thành một sức mạnh vô cùng lớn. Anh em chiến đấu rất hăng hái, không quản khó khăn, gian khổ, cứ bảo lên là lên, bảo xung phong là xung phong”, Thượng tá Phạm Xuân Trường chia sẻ.
Mặt trận Vị Xuyên. |
Trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa, không chỉ quả cảm, anh dũng trong chiến đấu, bộ đội ta cũng luôn bao dung, nhân ái. Khi địch thua trận, bị tiêu diệt, bộ đội ta ngừng bắn pháo, tạo điều kiện cho địch khiêng xác đồng bọn về bên kia biên giới.
“Đến đêm, địch vào lấy xác rất nhiều, sư đoàn không bắn pháo nữa để tạo cơ hội cho địch lấy xác, cho chúng chạy về bên kia biên giới, mở đường thoát cho chúng”- Đại tá Trần Phi Hùng cho biết thêm.
Bảo vệ biên giới phía Bắc thiêng liêng, từ năm 1979 đến 1989, hàng nghìn con em đồng bào các dân tộc Sơn La đã lên đường bảo vệ Tổ quốc. Họ là cán bộ đang công tác ở các cơ quan đơn vị, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, là học sinh, sinh viên các nhà trường, là đoàn viên thanh niên các xã, bản.
Ủng hộ tiền xóa nhà dột nát cho CCB mặt trận Vị Xuyên có hoàn cảnh khó khăn tại Sơn La. |
Không phân biệt tuổi tác, dân tộc, không sợ hiểm nguy, họ chỉ với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quyết đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Thời bình, đại tá Trần Phi Hùng, thượng tá Phạm Xuân Trường và những người lính Vị Xuyên năm xưa vẫn phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ trên các mặt trận: Học tập, công tác, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục con cháu. Nhiều hoạt động nghĩa tình vẫn được chính những người lính năm ấy giành cho nhau để vun đắp mãi tình đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử một thời đạn bom./.