Trước tình hình hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, sinh hoạt và còn có thể kéo dài, chiều nay (16/3), UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh với rủi ro cấp độ 1.
Tính đến nay, gần 1.200ha cây trồng, trong đó lúa nước hơn 750ha, cà phê trên 400ha của tỉnh Kon Tum đã bị khô hạn, thiếu nước. Diện tích bị mất trắng trên 280ha và đang tăng lên từng ngày. Ngành chức năng địa phương nhận định, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn như hiện nay khả năng đến cuối vụ khoảng 6.000ha cây trồng của tỉnh bị hạn.
Bên cạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, khô hạn cũng khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra tại nhiều địa phương, như Sa Thầy, Đắc Tô, Ia H’Drai…với 4 công trình nước tự chảy, trên 3.700 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng đến gần 4.000 hộ dân.
Cùng với quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh với rủi ro cấp độ 1, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn; chủ động sử dụng ngân sách của các đơn vị để chống hạn, bơm tưới cho cây trồng; áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị hạn; kiểm tra, tổng hợp tình hình thiếu đói do hạn hán gây ra đề xuất hỗ trợ kịp thời.
Về nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chống hạn, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo ngay từ đầu các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng của mình để kịp thời ứng cứu nhân dân trong quá trình chống hạn đồng thời báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh sẽ có hỗ trợ kịp thời cho các huyện và không để các huyện không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho dân. Về nguyên tắc tỉnh đã chỉ đạo ngay từ đầu. Thứ hai, hiện nay Chính phủ đã hỗ trợ cho tỉnh Kon Tum khoảng 17,6 tỷ. Các ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh, chúng tôi sẽ có thông báo nguồn kinh phí này đến tất cả các huyện để các huyện chủ động trong công tác phòng chống hạn”./.