Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 hoạt động tại khu vực lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng ta cần kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là ý kiến của nhiều người dân đang quan tâm theo dõi diễn biến sự việc này.

4.jpg
Ông Trần Huy Đường

Bất bình trước hành động vi phạm, đi ngược lại luật pháp và thông lệ Quốc tế của Trung Quốc, ông Trần Huy Đường, thành viên Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội phản đối hành động Trung Quốc đặt dàn khoan tại thềm lục địa của Việt Nam. Ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề bằng hòa bình của Việt Nam, nhưng trước hành động hung hăng của các tàu Trung Quốc, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu, ông Đường cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có sự chủ động chuẩn bị cho những bước tiếp theo, nhất là tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia trên toàn thế giới.

“Chúng ta phải cảnh giác và cũng phải vạch ra những điều hay và không hay của Trung Quốc để nhân dân thế giới biết rõ. Vừa qua, Bộ Ngoại giao mở họp báo và mời các nhà báo thế giới đến là rất đúng lúc. Nếu có thể, chúng ta cần có nhiều biện pháp và không thụ động, làm tất cả những việc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những giá trị ngàn đời ông cha ta để lại”, ông Trần Huy Đường cho biết thêm.

Ông Đỗ Bình Dương

Theo ông Đỗ Bình Dương-phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội: thời gian qua, đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 thì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định đây là chủ quyền của Việt Nam. Trước động thái từ phía Trung Quốc liên quan đến chủ quyền của các nước trên biển Đông, Việt Nam đã thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng những bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên. Quan điểm hòa bình, láng giềng thân thiết hữu nghị được Đảng và Nhà nước Việt Nam duy trì luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ông Đỗ Bình Dương bày tỏ: “Việc tranh chấp về biển, đảo và thềm lục địa đã xảy ra. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với các nước trên thế giới khiến tôi cũng bất bình. Chính phủ Việt Nam dùng chính sách hòa bình để êm thấm, nhất là giữa hai nước láng giềng. Nhưng Trung Quốc dùng áp lực có thể là quân sự nên tôi thực sự bất bình và phản đối. Chúng tôi ủng hộ những bước đàm phán của Nhà nước”.

Bà Phạm Lệ Hằng

Theo dõi diễn biến sự kiện này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt những ngày qua, bà Phạm Lệ Hằng, nguyên giáo viên trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân, Hà Nội cho rằng, sự việc là một sự vi phạm ngang ngược của Trung Quốc đối với chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Theo bà Hằng, ngoài các biện pháp phản đối lại hành động của Trung Quốc tại biển Đông thì cũng cần có kế hoạch tuyên truyền lâu dài để tất cả mọi người dân đều có hiểu biết thêm về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, từ đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, trong việc bảo vệ chủ quyền của nước ta tại biển Đông.

Bà Hằng bày tỏ: “Bên cạnh việc ngoại giao, chúng ta phải có kế hoạch trang bị kiến thức biển đảo, những gì liên quan đến lãnh thổ đất nước cho người già đến thanh niên để tạo được sự đồng tình của nhân dân. Bởi vì không có sức mạnh nào bằng đoàn kết toàn dân và chỉ có sức mạnh đoàn kết toàn dân mới có thể chiến thắng được”.

Dư luận trong nước đang hết sức quan tâm và phản đối hành vi của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, ảnh hưởng đến việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực./.