Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào các tỉnh phía Nam, tỉnh Kiên Giang đang tiến hành các biện pháp chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời để đảm bảo mục tiêu giảm thiểu thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh xảy ra.
Kiểm tra chặt chẽ lợn khi nhập vào tỉnh |
Tính đến thời điểm hiện tại, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có hơn 340.000 con. Trong đó, 31 trại chăn nuôi theo quy mô lớn khoảng 36.000 con, còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Để chủ động phòng chống bệnh, ngành thú y tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị 100.000 lít hóa chất bencoxit và 10 tấn vôi bột để cấp phát cho người chăn nuôi, triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng lần thứ 2 trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào vùng trọng điểm, nguy cơ cao. Đồng thời, tích cực vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc "5 không" theo quy định.
Anh Nguyễn Văn Thiệu ở ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: Nếu heo trong lúc ổn định thì trong 1 tuần sát trùng 1 lần, còn lúc này đang trong mùa dịch bệnh thì sát trùng 1 lần/ngày. "Đàn heo của tôi vẫn phát triển tốt nhưng công tác phòng ngừa thì vẫn phải phòng ngừa", anh Thiệu nói.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng quản lý dịch bệnh, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang khuyến cáo: Không mua bán heo bệnh, không giết mổ heo bệnh, không vứt xác heo bệnh làm ô nhiễm môi trường và điều quan trọng đối với bà con chăn nuôi nhỏ là không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý kỹ, bà con chú ý là phải diệt thứ ăn dư thừa cho thật kỹ, không được làm qua loa.
Hiện nay, giá lợn hơi tại tỉnh Kiên Giang dao động từ 50.000-53.000 đồng /kg, cao hơn so với khu vực miền Bắc, miền Trung từ 8.000-10.000 đồng/kg. Do giá chênh lệch lớn nên Kiên Giang lo ngại tình trạng lợn nhập vào tỉnh một cách ồ ạt, các ngành chức năng đã thành lập các chốt kiểm dịch ở các nút thắt giao thông. Giữa các chốt đều có phối hợp kiểm tra đầu vào-đầu ra chặt chẽ, nhất là kiểm tra đàn vật nuôi trước khi nhập ra các đảo.
Khu vực kiểm soát dịch bệnh tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên |
Theo thống kê, bình quân mỗi tháng Kiên Giang nhập khoảng 5.000 con lợn. Qua kiểm tra đều có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác kiểm soát dịch bệnh ở các xã đảo, nhất là ở huyện đảo Phú Quốc vì gần như thịt lợn nhập 100% từ đất liền bằng nhiều con đường từ hàng không, đến tàu biển… nên rất khó kiểm soát.
Anh Phạm Công Nam, Kiểm dịch viên tổ kiểm dịch huyện Kiên Lương cho hay: Tổ kiểm dịch Kiên Lương có phối hợp với các trạm chăn nuôi thú y ở các huyện có lô hàng xuất đến, tiến hành giám sát tất cả các phương tiện vận chuyển giống, sản phẩm gia súc gia cầm. Nếu lo hàng vi phạm tiến hành lập biên bản, trong trường hợp buộc tiêu huỷ lô hàng thì tổ kiểm dịch sẽ buộc tiêu huỷ lô hàng.
Do dịch tả lợn châu Phihiện nay chưa có vắc xin hay thuốc để phòng trị, khi lợn đã nhiễm bệnh, tỷ lệ chết 100% vì vậy công tác phòng chống được đặt lên hàng đầu. Chi cục thú y tỉnh đã thành lập 5 tổ kiểm dịch lưu động tại các đầu mối giao thông để kiểm soát ngăn chặn vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn; thành lập 2 tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên các địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, vật tư, hoá chất khử trung đảm bảo, nếu dịch có xảy ra thì đáp ứng kịp thời cũng như đảm bảo cho giai đoạn này trong công tác phòng chống dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Kiên Giang hiện đã xây dựng xong kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi kịp thời báo với cơ quan chức năng về những hiện tượng bất thường trên đàn lợn và không quay lưng với thịt lợn, thực phẩm từ lợn không nhiễm bệnh./.