Đó là quan điểm chung mà các địa phương nêu ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác vận tải giữa Bộ GTVT và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố chiều 2/8.
Phát hiện ra nhiều vi phạm của lái xe "luồng xanh"
Theo báo cáo của nhiều địa phương, mặc dù đã có “hướng mở” không yêu cầu kiểm tra tại các chốt kiểm soát đối với phương tiện có giấy nhận diện luồng xanh, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Đặc biệt là khả năng lây nhiễm rất cao của chủng Delta, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều địa phương khi tiến hành kiểm tra đã phát hiện ra nhiều trường hợp lái xe không có giấy xét nghiệm y tế, giấy xét nghiệm hết hạn, đi không đúng lộ trình cho phép, người điều khiển phương tiện không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký,
Cá biệt, qua xét nghiệm tại các chốt phát hiện ra nhiều trường hợp lái xe dương tính với virus SARS-CoV-2, nhiều lái xe lợi dụng được cấp giấy thông hành tổ chức chở người trái phép như phát hiện ra tại Hải Phòng, Sóc Trăng…; các trường hợp lây nhiễm COVID tại Bình Thuận phần lớn là do nguồn lây từ đội ngũ lái xe vận tải…
Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng trước tình trạng xuất hiện nhiều trường hợp lái xe vi phạm bị phát hiện, các địa phương cũng tỏ ra hết sức quan ngại về tính tự giác và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe về chấp hành các quy định phòng chống dịch.
“Đừng để con sâu làm rầu nồi canh, số ít vi phạm gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và hoạt động vận tải chung của địa phương và cả nước; làm tăng áp lực công tác kiểm soát, phát hiện, xử lý, xét nghiệm tại các chốt kiểm soát dịch bệnh…từ đó gây ra nguy cơ ách tắc giao thông; tuy nhiên, nếu không tăng cường kiểm soát thì nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải là rất cao”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ yêu cầu.
Theo ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, hiện nay Thành ủy Hải Phòng đã có chỉ đạo để tổ chức các bãi tập kết hàng hóa, cũng như yêu cầu doanh nghiệp tổ chức quản lý tập trung đội ngũ lái xe, không để lái xe di chuyển, tiếp xúc rộng; nếu doanh nghiệp không bố trí được thì UBND các Quận, Huyện nghiên cứu sắp xếp, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.
Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Đồng Tháp, Bình Thuận cũng cho biết “nguồn lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng xuất phát từ các lái xe…”.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh, thành phố phải công khai thông tin về các trường hợp vi phạm, đồng thời phải xử lý nghiêm theo quy định. Trách nhiệm quản lý phương tiện và lái xe của Doanh nghiệp là chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt với các doanh nghiệp có phương tiện và lái xe đi và đến từ vùng dịch.
“Phải có quy định giao trách nhiệm cụ thể, trực tiếp đối với các doanh nghiệp vận tải. Các lực lượng chức năng chỉ tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, đại diện Sở GTVT Đồng Tháp kiến nghị.
Giao thông cả nước cơ bản ổn định
Theo báo cáo của Tổng Cục ĐBVN, từ ngày 31/7 đến ngày 2/8, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP. Hồ Chí Minh cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Riêng tại chốt kiểm soát tại Km1770+300, QL1, Bình Thuận: Vào khoảng 23h02 ngày 31/7/2021 xảy ra vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng: Xe tải biển số 29H-201.80 lưu thông theo hướng Đồng Nai - Bình Thuận tông vào xe mô tô 3 bánh biển số 61L-7639 lưu thông cùng chiều đang dừng lại để khai báo y tế.
Tại chốt đường ĐT 741 (địa phận Bình Phước), tối 01/8/2021 do lưu lượng xe máy qua chốt quá đông gây ùn ứ cục bộ, UBND tỉnh Bình Phước phải ra văn bản khẩn xử lý lần cuối đối với các phương tiện về quê và quá cảnh qua địa bàn tỉnh; đến khoảng 21h30 là lượt cuối cùng được CSGT dẫn qua tỉnh Bình Phước, sau đó giao thông đã thông thoáng trở lại.
Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến Hà Nội đến từ ngày 31/7 đến ngày 02/8/2021 thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, chiều ngày 01/8/2021, đoàn công tác của Uỷ ban ATGT Quốc Gia và Tổng cục ĐBVN đã thực hiện kiểm tra hiện trường tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 ga Dụ Nghĩa, Km81+500 QL5 (Phải tuyến) để nắm tình hình giao thông đang bị ách tắc với chiều dài khoảng 5-7 Km, đồng thời có đề xuất với UBND TP Hải Phòng để giải quyết tình trạng ùn tắc tại đây.
Ngay sau đó, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo tăng cường lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông; đồng thời đang chuẩn bị điều kiện để mở thêm chốt phụ để giảm tải cho chốt Dụ nghĩa; nếu đông xe sẽ phân luồng cho xe container qua chốt phụ; chốt ga Dụ Nghĩa chỉ kiểm soát xe tải, xe con và các phương tiện khác.
Về tình hình cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh, Sở GTVT 63 tỉnh thành đã cấp được cho 220.711 xe. Số lượng đăng ký rất lớn tuy nhiên số lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin cũng chiếm phần lớn dẫn đến việc duyệt hồ sơ cũng mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Văn Huyện yêu cầu Sở GTVT thành phố Hà Nội phải kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp lái xe gây tai nạn tại chốt kiểm soát địa bàn Bình Thuận đêm 31/7, đề nghị xử lý nghiêm doanh nghiệp để lái xe điều khiển phương tiện khi giấy xét nghiệm hết hiệu lực.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh “trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương đang cố gắng tháo gỡ các khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, chính vì vậy, vai trò của DN, Chủ phương tiện và lái xe rất quan trọng.
Các Doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này. Tổ chức quản lý đội ngũ lái xe phải là của Doanh nghiệp, HTX, chủ phương tiện.
Phải tuyệt đối chấp hành các quy định về y tế đối với lái xe, người phục vụ theo xe khi tham gia giao thông. Yêu cầu các lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ kéo dài, Thứ trưởng Bộ GTVT khuyến cáo các Sở GTVT căn cứ trên nguyên tắc và hướng dẫn của Bộ, chủ động xây dựng các kịch bản và phương án khác nhau, không cứng nhắc, dập khuôn, xây dựng phương án phải phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương mình. Phải có phương pháp tuyên truyền, thông tin kịp thời để Doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện nắm bắt, chấp hành./.