Tại cuộc họp báo về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn, do UBND thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) tổ chức chiều 27/6, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn cho biết, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn là công trình phúc lợi xã hội nhằm góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thị xã Từ Sơn và khu vực phụ cận. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận đầu tư tại văn bản số 1161/TTg-KTN ngày 16/7/2009.

nm-nt.jpg
Dự án nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn (Bắc Ninh).

Quá trình thực hiện công tác lập hồ sơ, thu hồi đất và phương án đền bù GPMB đã được UBND thị xã Từ Sơn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng hội đồng GPMB tiến hành đầy đủ các bước, quy trình theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn trong công tác GPMB đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác GPMB xây dựng nhà máy trên diện tích đất nông nghiệp tại xứ đồng Lỗ Vó – Dạ Cá thuộc khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, hội đồng GPMB đã gặp phải sự phản đối của 23/62 hộ dân tại khu phố này khiến dự án đã được phê duyệt 4 năm nay vẫn chưa thể triển khai.

Ông Thanh chỉ rõ, các hộ dân ở đây đã không chịu nhận tiền đền bù và bàn giao diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Lý do các hộ dân này đưa ra là: Nhà máy xử lý nước thải đặt quá gần khu dân cư, gây ảnh hưởng và làm ô nhiễm môi trường.

“Mặc dù đã được các cấp chính quyền, đoàn thể vận động, giải thích và thuyết phục về lợi ích thiết thực của nhà máy, các hộ dân đã được tổ chức cho đi tham quan mô hình xử lý nước thải tương tự ở nhiều nơi, song các hộ dân này vẫn cương quyết yêu sách phải di chuyển nhà máy đến vị trí đã có quy hoạch các công trình phúc lợi xã hội khác, điều này gây khó khăn, chậm trể trong công tác GPMB”, ông Thanh cho biết.

Giải thích rõ hơn với báo giới về công nghệ cũng như đánh giá tác động môi trường của dự án nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn, Ths. Nguyễn Phương Quý, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ môi trường (SFC) cho biết, nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn có công suất 30.000 m3/ngày đêm được xây dựng theo công nghệ xử lý sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn (công nghệ C-tech) hoàn toàn khép kín, không có sân phơi bùn, bùn được làm khô trực tiếp và không gây ô nhiễm không khí đã được áp dụng thành công trong thực tiễn ở nhiều nơi trong nước cũng như nước ngoài.

“Khoảng cách 150m từ nhà máy xử lý đến khu dân cư gần nhất là vượt mức an toàn gấp 5 lần tiêu chuẩn, hoàn toàn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng số QCVN07:2010/BXD, trong đó quy định rõ khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu là 30m ứng với công suất nhà máy từ 5.000 – 50.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, nhà máy xử lý nước thải bao gồm hệ thống nhiều bể xử lý, có nguồn điện dự phòng nên hoàn toàn có khả năng xử lý sự cố như úng tắc hay mất điện vận hành”, Ths. Nguyễn Phương Quý cho biết.

Lãnh đạo UBND thị xã Từ Sơn còn cho hay, không nhận tiền đền bù, một vài đối tượng trên địa bàn khu phố Trịnh Nguyễn còn quá khích, vận động nhiều người dân khác chống đối chủ trương, cản trở việc nhận tiền đền bù của nhiều hộ dân khác. Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách khiếu nại tố cáo, tổ chức khiếu kiện vượt cấp, đông người gây mất trật tự an ninh khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội cũng như làm mất uy tín của môi trường đầu tư trên địa bàn thị xã Từ Sơn cũng như toàn tỉnh Bắc Ninh.

Trước những tồn tại này, tại cuộc họp báo ngày hôm nay, đại diện UBND thị xã Từ Sơn cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2013, UBND thị xã sẽ kết hợp với UBND phường Châu Khê, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vận động 23 hộ dân còn lại tự giác chấp hành, ủng hộ việc bàn giao đất để nhanh chóng triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng nêu rõ, bên cạnh với các biện pháp nói trên, sau khi UBND thị xã Từ Sơn đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định, nếu các hộ dân nói trên vẫn không chấp thuận, UBND thị xã sẽ có ý kiến với UBND tỉnh Bắc Ninh xin phép được áp dụng biện pháp cưỡng chế để GPMB thực hiện dự án.

“Thời gian thực hiện việc cưỡng chế có thể được triển khai trong tháng 7/2013 khi đã được cân nhắc và xem xét hội đủ các yếu tố cần thiết và thích hợp”, ông Thanh nói./.