Thành phố Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên Đại lộ Thăng Long. Như vậy, người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn đi trên làn đường cao tốc của đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trước đề xuất trên, đa số người dân và Hiệp hội vận tải cho rằng, đề xuất của Hà Nội là không có cơ sở…
Đại lộ Thăng Long, Hà Nội có chiều dài gần 30km, nối từ đường Phạm Hùng đến Hòa Lạc, được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách, kinh phí xây dựng là hơn 7.500 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.800 tỷ đồng và ngân sách thành phố Hà Nội gần 5.700 tỷ đồng. Công trình khánh thành năm 2010 và là công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đa số người dân và Hiệp hội vận tải cho rằng, đề xuất của Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long là không có cơ sở (Ảnh: Hà Nội mới) |
Vừa qua, trong văn bản đề xuất với Thủ tướng, UBND TP Hà Nội cho biết, nếu được chấp thuận, sẽ đầu tư hệ thống thu phí bằng nguồn ngân sách của thành phố với phương thức thu phí khép kín, phí trả theo từng loại xe và chặng đường đã đi. Theo lý giải của thành phố Hà Nội, việc thu phí là để hoàn vốn xây dựng tuyến đường và nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường…Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí thì có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.
Trước đề xuất này, đa số ý kiến người dân và Hiệp hội vận tải cho rằng, đề xuất của Hà Nội là không có cơ sở, vô lý, sẽ dẫn đến việc "phí chồng lên phí", vì hiện nay đa số xe ô tô đã phải đóng phí đường bộ qua đầu phương tiện rồi.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, khi xây dựng Đại lộ Thăng Long thì chủ đầu tư phải lên kế hoạch hoàn vốn như thế nào, không phải cứ cần tiền là đặt trạm thu phí. Hơn nữa, phần lớn tuyến đường này được xây theo hình thức BT, tức là đổi đất lấy hạ tầng, người dân xung quanh đã nhường đất để nhà đầu tư làm đường thì nay không lý gì họ phải trả thêm phí. Hơn nữa, hiện nay doanh nghiệp vận tải đã gặp nhiều khó khăn khi chi phí vận tải ngày càng tăng lên cho nên đặt thêm trạm thu phí này sẽ không thỏa đáng.
Ông Bùi Danh Liên phân tích: "Bộ Giao thông Vận tải đã xóa bỏ hàng chục trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách sau khi lập quỹ bảo trì đường bộ, Hà Nội cũng muốn xóa trạm Bắc Thăng Long nhưng lại muốn lập thêm trạm ở Đại lộ Thăng Long là không đúng. Kỳ vọng của ngành giao thông là thu hút phương tiện đi trên Đại lộ Thăng Long, nhưng sau khi mở rộng quốc lộ 32 thì rất ít phương tiện sử dụng đại lộ này. Nay thu phí nữa thì phương tiện sẽ càng tránh tuyến đường này nhiều hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chi phí vận tải ngày càng tăng. Hà Nội thu không được bao nhiều tiền mà xây dựng trạm lãng phí, tăng thêm người và mất ổn định xã hội…".
Đồng tình với quan điểm đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng lo ngại, từ ngày 1/6, phí Quỹ bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực, chỉ tính riêng đối với ôtô đã phải chịu tới 3 mức thuế cùng 7 loại phí. Việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long cần phải được giải trình rõ xem có hợp lý hay không. Bản thân Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình với đề án này. Hiện nay, các xe ô tô đã đóng phí theo đầu phương tiện, nếu cho phép thu phí tiếp sẽ là phí chồng phí.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết: “Lý do Hà Nội đưa ra để thu phí là được sử dụng thêm một số biển báo, chỉ dẫn thông minh… Chúng tôi không đồng ý với lý do này”.
Ông Khánh Toàn cho rằng, hiện nay, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng tuyến đường đã được trích ra từ quỹ bảo trì đường bộ mà người dân phải đóng. Các trạm thu phí BOT dày đặc đã tạo áp lực rất lớn cho người dân, nếu cho thu phí thì phải bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, thế mới là công bằng cho người dân. Do đó, cần tính toán hợp lý để giảm chi phí cho phương tiện và bớt gánh nặng cho người dân.
Ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Đề xuất thu phí trên tuyến đường này, tôi cho là không hợp lý. Đối với vận tải phải ghánh chịu quá nhiều loại thuế và phí rồi. Nếu tiếp tục thu phí nữa thì sẽ làm cho năng lực của ngành vận tải hay là sức cạnh tranh của ngành vận tải giảm sút nghiêm trọng…”.
Trên thực tế, nếu thành phố Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long có thể sẽ tạo tiền lệ cho nhiều tuyến đường đầu tư bằng ngân sách của các tỉnh khác xin thu phí theo. Hơn nữa, việc các phương tiện khi đi vào hệ thống đường gom không phải đóng phí sẽ làm cho hệ thống đường gom trên Đại lộ Thăng Long sẽ rơi vào cảnh ùn tắc, quá tải.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị thu phí Đại lộ Thăng Long của thành phố Hà Nội. Do vậy, chưa rõ căn cứ, lý do nào để thành phố đặt vấn đề thu phí tuyến đường này. Về nguyên tắc, khi có quỹ bảo trì đường bộ thì chỉ các tuyến đường BOT được thu phí, theo Thông tư 197/2012 về quản lý, sử dụng phí đường bộ của Bộ Tài chính, không cho phép thu phí đường bộ với các tuyến được đầu tư bằng tiền ngân sách. Vì thế, thành phố Hà Nội cần lý do phù hợp nếu muốn thu phí trên Đại lộ Thăng Long./.