Tắc Rối là ngôi làng khoảng hơn 40 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu nằm bên kia sông Tranh, thuộc thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm nay, bà con đồng bào Ca Dong làng Tắc Rối đi lại rất khó khăn bởi chưa có cầu từ bắc qua sông Tranh nối với quốc lộ 40B. Không có cầu, người dân phải tự làm bè vượt qua sông, việc đi lại như đánh cược chính mạng sống của họ với dòng nước lớn.
Năm 2019, người dân làng Tắc Rối được đưa về tái định cư ở một ngôi làng mới cách làng cũ khoảng chừng 2 cây số. Người dân được hỗ trợ tái định cư theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam. Bà con vui mừng, phấn khởi vì được đầu tư xây dựng khu dân cư khang trang. Hạ tầng ở khu tái định cư này đã được đầu tư gần như đầy đủ, nhưng cây cầu nối từ làng Tắc Rối ra Quốc lộ 40B vẫn còn nằm trên giấy, việc đi lại của bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Lòng sông Tranh qua làng Tắc Rối rộng khoảng 70m, mùa nắng bà con dùng thuyền, bè qua sông, mùa mưa nước lớn thì đành bám trụ ở làng. Nhiều trường hợp đau ốm không thể qua sông đến bệnh viện kịp thời.
Sau những trận lũ cuối năm 2020, hơn 40 hộ dân làng Tắc Rối lại cùng nhau làm chiếc bè để vượt sông. Người dân dùng 8 thùng nhựa, ván gỗ, dây nhựa để làm chiếc bè rộng chừng 4 mét vuông. Khoảng 3 giờ đồng hồ, chiếc bè hoàn thành và được thả xuống dòng nước, men dọc theo sợi dây cáp đã được cố định ở trên sông, người ta qua lại đôi bờ sông Tranh. Việc qua lại dòng sông Tranh bằng bè không đảm bảo an toàn, chiếc bè có thể lật bất ngờ nếu nước lũ đột ngột đổ về.
Anh Hồ Văn Thịnh, 37 tuổi, ở làng Tắc Rối, thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My cho biết, cơn lũ dữ vào tháng 10/2020 đã cuốn trôi hai chiếc bè của dân làng. Không có bè thì không thể vận chuyển hàng hóa vào làng, bởi quanh làng là núi và những nhánh sông. Đây là lần thứ 5 trong năm, người dân làm bè vượt sông Tranh.
“Mùa lũ lụt, bà con không kịp xử lí thì bè bị đứt trôi. Đây là đợt thứ 5 vận động bà con, già làng cùng nhau làm bè để cho bà con vượt sông. Bè này phải dùng sức để kéo. Vừa rồi cũng có 2 người bị lật thuyền nhưng có người vớt được. Những người không biết bơi ai cũng lo sợ, hoang mang. Nhưng vì công việc, đói nghèo nên buộc phải đi qua đi lại thôi. Ước mơ lớn nhất là bà con nơi đây là có một cây cầu giúp bà con đi lại qua dòng sông Tranh”, anh Thịnh bày tỏ.
Thầy giáo Lê Văn Bốn, giáo viên điểm trường Tắc Rối, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My tâm sự, thầy đã giảng dạy miền núi hàng chục năm nay. Nhưng Tắc Rối là điểm trường phải đi qua lại con sông Tranh bằng thuyền và bè đáng sợ nhất.
“Việc đi lại mùa nắng hay mùa mưa đều phải dùng đến bè. Những lúc mưa lớn thì mình ở lại, tránh những trường hợp qua lại nguy hiểm”, thầy Bốn cho biết.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam nhưng chưa có kết quả cụ thể. Hiện khu vực làng Tắc Rối rất cần một cây cầu để cho người dân đi lại an toàn. Theo ông Mẫn, với nguồn lực của địa phương, hiện chưa thể đầu tư xây cầu.
“Tắc Rối hiện nay đã ổn định, có đầy đủ về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện có một cây cầu bắc qua sông Tranh hiện nay chúng tôi vẫn đắn đo. Nhiều lần đề nghị với sở Giao thông vận tải đưa dự án Gram vào đây thì họ cũng đi khảo sát và có một nhà hảo tâm cũng khảo sát vấn đề này. Tuy nhiên đến giờ phút này cũng chưa có kết quả cụ thể. Trước mắt chúng tôi xác định xây dựng cây cầu treo dân sinh, bước đầu khảo sát đầu tư với khoảng 2.5 tỷ đồng, tuy nhiên đủ thứ nguồn lực chưa bố trí được vốn. Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ cố gắng vận động, nếu không bỏ ngân sách ra để làm”, ông Mẫn cho biết thêm./.