Giá dịch vụ y tếđược điều chỉnh tăng cùng thời điểm, giá xăng, điện tăng đặt lên vai người bệnh những khoản chi phí lớn. Thực tế này đã khiến Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạm dừng ban hành Nghị quyết về tăng giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trước đó đã có 6 tỉnh, thành phố đã tăng giá dịch vụ y tế theo mức quy định tại Thông tư 37/2018.

benh_nhan_1_vov_ypud.jpg
Tại Hà Nội, từ ngày 1/5/2019, gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm của bệnh viện trên địa bàn đã được điều chỉnh giá.

Tại Hà Nội, từ ngày 1/5/2019, gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm của bệnh viện trên địa bàn đã được điều chỉnh giá. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước yêu cầu của Bộ Y tế đề nghị tạm dừng tăng giá dịch vụ y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản báo cáo thành phố về việc này và đang chờ UBND thành phố quyết định trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Chị Nguyễn Hoàng Hà (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) đang mang thai ở tuần thứ 20. Do thai nhi có vấn đề nên bệnh viện tuyến tỉnh tư vấn cho chị Hà lên tuyến trên để kiểm tra. Anh Nguyễn Xuân Ngạn, người thân của chị Hà chia sẻ, do không có bảo hiểm y tế nên chi phí khám, tiền thuốc cũng khá lớn. “Tiền khám và tư vấn ban đầu là 300.000đ, chi phí thử máu và chọc nước ối mất tiền triệu. Công chức còn có lương, có bảo hiểm, nông dân như chúng tôi lấy đâu ra. Giờ giá viện phí lại tăng, bệnh nhân lại càng thêm khó khăn”- anh Ngạn nói.

Cùng cảnh với chị Hà, anh Nguyễn Văn Kiên (SN 1988, ở Hà Đông, Hà Nội) bị tai nạn giao thông, vừa phải phẫu thuật để đóng đinh ở chân phải tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Anh Kiên chia sẻ, tiền chụp chiếu, xét nghiệm, phẫu thuật đã mất hơn 100 triệu đồng, chưa kể chi phí nằm điều trị, phục hồi chức năng. “Trước đây tôi chỉ lo đi làm, không quan tâm đến sức khỏe nên không mua bảo hiểm y tế. Giờ gặp tai nạn, vào viện tốn kém quá. Gia đình khó khăn nên phải đi vay mượn khắp nơi để lấy tiền điều trị. Không biết bao giờ mới khỏi bệnh mà đi làm trả nợ”- anh Kiên nói.

Cùng với nỗi lo của những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, nhiều bệnh nhân lo ngại phải chờ lâu, mất thời gian nên đã bỏ qua khám bảo hiểm y tế để chuyển sang khám dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân cũng băn khoăn về chất lượng dịch vụ khi khám bảo hiểm y tế.

Bà Trần Thị Hiên (ở Cầu Diễn, Hà Nội) bị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa khớp gần 2 năm nay. Theo bà Hiên, mặc dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng chưa một lần bà sử dụng khi đi khám bệnh. Bởi, hiện nay việc khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế rất phiền hà, người bệnh phải chờ rất lâu.

“Người bệnh đã đau yếu về thể xác, thậm chí cả tinh thần, trong khi các thủ tục khám bảo hiểm y tế lại còn nhiêu khê, gây khó cho người bệnh. Bản thân tôi giờ đi khám không muốn dùng thẻ bảo hiểm y tế nên chuyển sang khám dịch vụ cho nhanh. Mặc dù chi phí tốn kém nhưng cũng đành chấp nhận”- bà Hiên chia sẻ.

Chi phí tăng - người bệnh “sợ” đi khám

Được biết, trong số gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này ở Hà Nội, có một số giảm, phần lớn tăng. Cụ thể, giá giường nằm điều trị tính theo ngày hồi sức tích cực của bệnh viện hạng I (như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang...), từ 632.000 đồng tăng lên 678.000 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu từ 336.000 đồng tăng lên 411.000 đồng.

Dịch vụ chụp PET/CT mô phỏng xạ trị chưa bao gồm thuốc cản quang, người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần theo quy định (tối đa 80%), còn lại tự thanh toán gần 20,5 triệu đồng. Nếu chụp CT Scanner toàn thân từ 256 dãy không thuốc cản quang, người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế phải trả 6,6 triệu đồng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc tăng giá các dịch vụ y tế lần này là do mức lương cơ sở hiện đã điều chỉnh lên 1.390.000 đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng vừa ban hành Thông tư 37 kèm theo mức tối đa của khoảng 1.937 dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến người chưa tham gia bảo hiểm y tế. 

Như vậy, theo đúng lộ trình của Chính phủ, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng liên tiếp từ trong những năm gần đây. Với tâm lý khám bệnh là phải đến các bệnh viện tuyến trên cho yên tâm, thì việc tăng giá thêm gần 2.000 dịch vụ y tế đang khiến người dân lặn lội về Hà Nội khám, chữa bệnh vô cùng lo lắng, đặc biệt là những người không có thẻ bảo hiểm y tế.

Với những trường hợp không có thẻ như chị Nguyễn Hoàng Hà hay anh Nguyễn Văn Kiên, quá trình điều trị sẽ còn kéo dài sắp tới cùng giá dịch vụ tăng cao, họ sẽ phải chuẩn bị tinh thần để lo vay mượn một khoản tiền lớn để chữa bệnh.

“Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, thì dân phải chịu. Chúng tôi không có điều kiện mà chi phí cứ tăng như vậy thì không dám đi khám nữa. Như tôi để mẹ tròn con vuông, phải thường xuyên khám để kiểm tra. Mỗi lần khám khá tốn kém, gia đình khó khăn, tôi cũng phải đi vay mượn để lo tiền đi khám”, chị Hà cho hay.

Ghi nhận ý kiến bệnh nhân tại nhiều bệnh viện, khi tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, người dân cũng phải chịu, phải gồng mình “cõng” thêm nhiều khoản tiền lớn. Thậm chí, chi phí tăng cao quá cũng gây tâm lý “sợ” không dám đi khám, trong khi bệnh để lâu đến khi tới bệnh viện thì lại quá muộn.

Bên cạnh đó, một điều băn khoăn nữa của người bệnh là liệu khi giá dịch vụ y tế tăng lên liệu chất lượng khám chữa bệnh có tương xứng?./.