Thông tin tại Hội thảo Báo chí và truyền thông với phát triển nghề Công tác xã hội, do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức từ ngày 28-29/11 tại Hải Phòng cho biết: Hiện nay, số người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam khoảng 10% dân số, tương đương khoảng 9 triệu người. Trong đó, số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 200.000 người.

Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…

img_6273_pqkg.jpg
Các bệnh nhân tâm thần đang được điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng (ảnh: Lại Thìn)

Trong khi đó, TS.Phạm Dũng, Ủy ban Y tế Hà Lan cho biết, theo một khảo sát quy mô quốc gia chính thống, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp, trong đó tâm thần phân liệt là 0,47%; trầm cảm 2,8%; rối loạn lo âu 2,6%. Trẻ từ 8 – 17 tuổi có tới 20% bị chứng rối nhiễu tâm trí.

TS.Phạm Dũng cho biết, có tới 98,3% người tâm thần không tự chăm sóc được bản thân; khoảng 15% người tâm thần có hành vi cãi nhau hoặc đánh lộn, đập phá cần được hỗ trợ can thiệp; còn khoảng 70% người tâm thần chưa được tham gia các hoạt động cộng đồng; 37% người tâm thần chưa được hỗ trợ thuốc; hơn 18% gia đình người tâm thần gặp kỳ thị từ cộng đồng; phần lớn người rối nhiễu tâm trí bị bỏ sót…

Trên thế giới, người bị tâm thần phân liệt chiếm khoảng 1% dân số; động kinh từ 3 – 5% dân số; trầm cảm: 1 – 3% dân số - đối tượng này ngày càng tăng, diễn biến tâm lý rất phức tạp và có thể dẫn đến tự tử; khoảng 1 triệu người tự tử mỗi năm do chứng rối loạn tâm thần.

Theo Cục Bảo trợ xã hội, đến nay trên toàn quốc đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng được mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng như tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội…

Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung theo quy mô lớn, đối tượng sống xa cách với môi trường và cộng đồng. Trong khi đó thiếu hướng dẫn kỹ thuật về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế…

Theo Bộ LĐTB&XH, định hướng giai đoạn 2016 – 2020, 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác. 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng./.