Trước đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép tái nhập khẩu nội tạng động vật, dư luận cả nước đang hết sức lo ngại về chất lượng cũng như khả năng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm về mặt hàng này.

Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam, tỉ lệ bệnh liên quan đến tim mạch ở Việt Nam đang ở mức 25% và lứa tuổi của người mắc đang ngày càng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh liên quan đến tim mạch là dư thừa lượng cholesterol xấu.

noi-tang.jpg

Nội tạng động vật nhập lậu chủ yếu là tràng, tim lợn. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa) cho rằng: Ở các nước khác, nội tạng động vật chỉ dùng làm thức ăn gia súc, không được phép làm thức ăn cho con người. Bởi các loại nội tạng động vật đều nhiễm vi sinh vật nhiều nhất và nguy cơ truyền các bệnh dịch từ động vật sang động vật là nhiều nhất. Đồng thời, trong nội tạng có chứa tỷ lệ cholesterol xấu rất cao, ảnh hưởng đến tim mạch và sức khỏe của người dân sẽ bị đe dọa.

Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Hội khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam) thì rất khó để kiểm soát được chất lượng của nội tạng động vật nhập khẩu. Bởi mặt hàng này trước khi nhập đến tay người tiêu dùng đã qua vận chuyển, lưu kho khá dài trong khi nội tạng động vật thường dính các chất bẩn từ phân, các vi khuẩn độc hại gây tiêu chảy, gây bệnh.

“Mấy năm qua chúng ta cấm không cho nhập mà vẫn phát hiện rất nhiều nội tạng bẩn nhập vào Việt Nam. Bây giờ lại cho nhập vào thoải mái thì làm sao kiểm soát nổi. Những thứ này cho người ăn nếu còn tươi thì không sao nhưng lại toàn tẩm hóa chất bảo quản hoặc nhiều khi bị thối rữa sẽ không đảm bảo sức khỏe cho người dân”, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Thị Sửu cho biết.

Với một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt, còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan cho gia súc, gia cầm, ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước./.