Chiều 7/11, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày trước Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.
Theo đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội nhận được tổng số 42.855 đơn thư, trong đó có 28.023 đơn trùng lặp, nặc danh, mạo danh, không rõ nội dung,…(chiếm 65,4%).
Khiếu nại, tố cáo chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai
Nội dung đơn thư gửi đến Quốc hội tập trung chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai (chiếm 60-65%) cụ thể như: Thu hồi đất, khung giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tố cáo một số cán bộ, công chức sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra là các vấn đề khiếu nại tố cáo về chế độ, chính sách cho người có công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, các dự án BOT, về thuế, phí, lệ phí, về chống tham nhũng...
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Đáng lưu ý, số vụ việc khiếu nại về nhà ở tại các khu đô thị mới, khu chung cư cao cấp có dấu hiệu gia tăng, xuất hiện một số đoàn đông người (nội dung do chủ đầu tư không thực hiện đúng các hợp đồng dân sự với người mua nhà).
Các vụ việc liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại cũng diễn biến khá phức tạp, bùng phát khiếu kiện đông người, như khiếu nại của các hộ tiểu thương chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), chợ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chợ Bỉm Sơn (Thanh Hóa), chợ An Khánh (Đồng Nai), chợ Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk)...
Trong lĩnh vực tư pháp, việc khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến oan sai, bỏ lọt tội phạm, đề nghị xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực; tố cáo trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên có biểu hiện tiêu cực và thiếu khách quan trong thực thi nhiệm vụ,...
Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 7.121 đơn đến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân các cấp để giải quyết (đạt tỷ lệ 48%). Đến nay, đã nhận được 3.591 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 50,4% (còn 3.530 đơn chưa nhận được trả lời, chiếm 49,6%).
Đãgiải quyết được 110 vụ việc khiếu nại, tố cáo
Qua giám sát tại 8 địa phương: An Giang, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Ninh Bình, Đắk Lắk và Đồng Nai, trong kỳ báo cáo, có 149 vụ việc do Quốc hội chuyển đến, đến nay đã giải quyết được 110 vụ việc (đạt 73,8%).
Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội đã rà soát toàn bộ việc giải quyết đối với các vụ việc này đồng thời yêu cầu địa phương trực tiếp báo cáo đối với 41 vụ việc (trung bình 01 địa phương/5 vụ).
Sau khi thảo luận với lãnh đạo địa phương, tham khảo ý kiến của đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ TN&MT,… Đoàn đã nhất trí với địa phương về kết quả giải quyết đối với 10/41 vụ việc (chiếm 24,4%).
Còn 30 vụ việc (chiếm 73,2%), đoàn chưa nhất trí và kiến nghị địa phương cần sớm rà soát, kiểm tra lại việc giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Các địa phương đều thống nhất với các kiến nghị của Đoàn giám sát và sẽ báo cáo kết quả với UBTV Quốc hội trước tháng 6/2018.
Nhìn chung, qua giám sát cho thấy các cơ quan ở Trung ương và địa phương đều tích cực triển khai các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt, công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng” đã có những chuyển biến rất rõ rệt,
Thủ tướng Chính phủ đã phân công đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp hàng tuần chủ trì họp, rà soát từng vụ việc, kết quả là đã chỉ đạo giải quyết được 450 vụ việc tại 17 tỉnh, thành phố, điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp.
Năm 2017, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ, nhiều vụ việc khiếu nại về chế độ chính sách cho người có công đã kéo dài nhiều năm cũng đã được Bộ LĐTB&XH tích cực phối hợp với các địa phương tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.
Trong lĩnh vực tư pháp số lượng đơn thư do Quốc hội chuyển đến TANDTC và VKSNDTC được giải quyết tăng so với cùng kỳ.
Công tác phối hợp của UBND các địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể cùng tham gia, vận động người dân chấp hành những quyết định giải quyết đúng pháp luật được đẩy mạnh như Tây Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa,….
Sự phối hợp với các bộ, ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn, như đối với 62 vụ việc tại An Giang tuy đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, lãnh đạo tỉnh đã chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ rà soát, có kết luận đối với toàn bộ 62 vụ việc và sau đó 25 vụ việc công dân đã chấm dứt khiếu nại./.
Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về giải quyết khiếu nại tố cáo