Từ chính công việc sản xuất của mình, nhiều nông dân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo các máy móc, thiết bị hiện đại, có tính ứng dụng cao, góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Những “kỹ sư nông dân” ấy là nhân tố quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hướng ra thị trường của thành phố.

sang_che_cua_nong_dan_fghx.jpg
Ảnh minh họa.

Chúng tôi đến trang trại nuôi bò sữa của anh Nguyễn Trung Lập ở ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi vào buổi sáng. Lẽ ra, đây là thời điểm người nuôi đang tất bật cho bò ăn, tắm cho bò để chuẩn bị vắt sữa. Ấy vậy mà anh Lập vẫn thong thả nhâm nhi ly cà phê sáng, dù 25 con bò sữa chỉ có một mình anh chăm sóc, thay vì 3 lao động như những gia đình khác.
Đi thăm trại bò sữa sau nhà, chúng tôi bất ngờ khi mọi khâu chăn nuôi trong trại từ việc tắm cho bò, cho bò uống nước, dọn phân bò đều được trang bị hệ thống máy móc tự động do chính tay anh Lập sáng chế. Thậm chí, cỏ cho bò ăn cũng có máy cắt và đưa đến tận chuồng.
Nổi bật nhất trong những sáng chế của anh Lập là cải tiến, lắp đặt máy nhịp tim để vắt sữa bò. Máy đơn giản, dễ sử dụng, nhưng đã nâng cao sức cạnh tranh cho bà con nông dân. Với sáng chế này, anh Nguyễn Trung Lập là một trong 17 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong lễ tôn vinh hợp tác xã, tổ hợp tác và nhà nông sáng tạo năm 2016.
Anh Lập nói: “Khi mình làm, mình tính chi phí có vài trăm ngàn thôi, nhưng khi thực hiện, mình phải mua nguyên một cái xe đẩy mới để nghiên cứu. Cái đó nó mất thời gian. Quy định của việc vắt sữa bò là vào buổi sáng và buổi chiều. Lỡ đến giờ đó mà mình chưa nghiên cứu xong hay nó bị hỏng coi như không làm kịp”.

Rời vùng đất “thép” Củ Chi, chúng tôi đến thăm cơ sở xuất cá cảnh ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh của ông Nguyễn Văn Thạch, người làm giàu nhờ sáng chế ra hệ thống máy nuôi cá lăng và cá cảnh tuần hoàn khép kín trên diện tích chỉ chưa đến 500m2. Hệ thống tuần hoàn nuôi cá của ông Thạch gồm các thiết bị đơn giản là một máy bơm nước, hệ thống điện tử điều khiển các van ống nước, 2 thùng nước bằng nhựa khoảng 15m3, 1 bể chứa 10m3 nước bên cạnh, một thiết bị lọc BST cùng hệ thống ống nhựa để lưu thông dòng nước. Với hệ thống này, có thể nuôi được khoảng 30 kg cá giống, tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng. Trong một chu kỳ hơn 2 tháng, người nuôi đã có thể thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Văn Thạch, chủ cơ sở sản xuất cá cảnh An Phú Tây cho biết: “Tôi phải tự mày mò để làm ra hệ thống này vì mình muốn mua cũng không được, ngoài thị trường không có. Lúc nuôi cá, tôi thấy nó rất cần thiết. Tôi đã làm nhiều quy trình và cuối cùng ngày hôm nay tôi mới làm ra được nó. Tôi đã đưa những thiết bị này vào điều khiển một cách rất dễ để sử dụng theo phương pháp cơ học. Khi hỏng hóc một thiết bị nào đó, người nông dân cũng có thể tự thay thế được”.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục nông dân có công trình nghiên cứu khoa học đang được ứng dụng trong sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở khắp các xã nông thôn mới của thành phố, phong trào sáng tạo nhà nông đang diễn ra sôi nổi. Trong đó, có thể kể đến những sản phẩm khoa học mang lại hiệu quả thiết thực như: máy cho tôm ăn kết hợp với thả cá rô phi trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Võ Văn Công ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; tưới rau ứng dụng bằng tin nhắn điện thoại di động của ông Bùi Ngọc Minh Tâm ở phường An Lạc, quận Bình Tân; mô hình thực nghiệm xử lý vi sinh nước nuôi tôm bằng vật liệu Zeolite tẩm na-nô bạc tại huyện Cần Giờ; mô hình thu trữ nước chạt trong sản xuất muối; mô hình nuôi cua thịt từ con giống sinh sản nhân tạo tại huyện Nhà Bè...
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tập hợp những nông dân say mê nghiên cứu khoa học và đã có những giải pháp công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để thành lập những câu lạc bộ nông dân sáng tạo, từ đó hỗ trợ thiết thực cho họ trong việc huy động vốn và đầu ra cho sản phẩm
“Câu lạc bộ nông dân sáng tạo này sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố và Sở Khoa học và Công nghệ để xây dựng các đề tài nghiên cứu cụ thể. Trong đó, có sự hỗ trợ của các nhà khoa học để gắn kết mối liên hệ giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp để chúng ta phát huy hiệu quả hơn sự sáng tạo của nhà nông trong năm 2017”, ông Trần Trường Sơn cho biết.
Những nông dân sáng tạo trong nghiên cứu khoa học đó là kết quả của chính sách ưu đãi trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, định hướng thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, có 3 đầu mối để hỗ trợ nông dân trong lĩnh vực này là Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao của thành phố đã trình diễn thành công nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, tạo động lực để lan tỏa khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

5 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 18 đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị với kinh phí gần 14 tỷ đồng. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Bảy, chị Trần Ngọc Tuyết đã sang tận Trung Quốc, Thái Lan học hỏi kinh nghiệm nhân giống và chăm sóc hoa lan, tìm ra những giống lan đẹp, năng suất cao cho bà con nông dân huyện Củ Chi.

Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với nguồn vốn nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, đối với các công trình nghiên cứu khoa học nhỏ lẻ, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành gặp khó khăn vì một số thủ tục hành chính trong xây dựng đề tài và kinh phí thực hiện.
Ông Trịnh Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trên cơ sở những sáng chế, những giải pháp hữu ích cho nông nghiệp đã thành công đó, chúng tôi sẽ nhờ các chuyên gia, các thầy viết thành những tài liệu. Mô tả thật kỹ đến mức khi nghe được nó, nhìn được nó, bà con nông dân sẽ có những suy nghĩ, cái chọn lựa để tìm được mô hình thích hợp, ứng dụng cho mảnh đất của mình, cho mô hình sản xuất hiện tại của họ”.
Những người nông dân năng động, sáng tạo đang góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, năng suất thấp để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những con người ấy như những bông hoa, góp phần tô đẹp thêm cho mùa xuân của thành phố mang tên Bác hôm nay./.