Vừa khởi công xây dựng, nhưng công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ở trung tâm thành phố Nha Trang đã bị người dân sống xung quanh khu vực phản ứng quyết liệt và yêu cầu di dời sang địa điểm khác. Người dân cho rằng, địa điểm đặt nhà máy không đảm bảo an toàn cho môi trường sống của bà con nơi đây.

vov_khanh_hoa_etzk.jpg
Hiện nay, rác thải y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang phải chở vào tỉnh Bình Dương để xử lý.

Công trình xử lý chất thải rắn y tế vừa xây dựng tường bao, nằm trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Biết được thông tin này, hơn 60 hộ dân sống gần bệnh viện đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét.

Tại buổi đối thoại mới đây giữa người dân với chủ đầu tư là Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện đa khoa tỉnh thì có đến 61/62 hộ dân tham gia đối thoại đã không chấp nhận đặt công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại khu vực này.

Các hộ dân này cho rằng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nằm ở phường Lộc Thọ, giữa trung tâm thành phố Nha Trang, nơi có mật độ dân cư, các cơ sở kinh doanh, du lịch đông. Vì vậy, việc đặt công trình xử lý chất thải nguy hại sát khu dân cư mà không có khoảng cách an toàn thì  không đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường. Người dân bức xúc vì chủ đầu tư không công khai thông tin về dự án, công bố đánh giá tác động môi trường.

Ông Nguyễn Văn Đồng, ở đường Lý Tự Trọng, thành phố Nha Trang lo ngại: “Công trình này xây dựng không có khoảng cách cách ly với xung quanh, nằm ở trung tâm thành phố Nha Trang, nằm gần trường học, các khách sạn, các quán ăn. 

Người dân chúng tôi không hiểu nổi là xử lý chất thải lây nhiễm lại đặt trong khu dân cư. Chúng tôi rất lo lắng, khi mà đốt chắc chắn sẽ ô nhiễm về không khí”.

Trước đây, rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cùng nhiều cơ sở khác được tập trung về xử lý tại lò đốt ở Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa. Từ 4-5 năm nay, lò đốt này đã bị hỏng, không thể sử dụng, các cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc xử lý chất thải. Hiện nay, mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa phát sinh khoảng 250 kg chất thải rắn lây nhiễm.

Bệnh viện phải lắp kho lạnh để lưu trữ, sau đó thuê đơn vị khác vận chuyển đi tỉnh Bình Dương xử lý, với chi phí khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng. Thời gian gần đây, việc vận chuyển rác bị chậm trễ, dẫn đến vi khuẩn có nguy cơ phát triển nhanh chóng, gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết khó khăn, Bộ Y tế đồng ý cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa triển khai dự án hỗ trợ xử lý chất thải với kinh phí 55,3 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn ODA. Dự án sẽ xây dựng khu xử lý chất thải rắn công suất 500 kg/ngày.

Ông Mai Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, khi hệ thống đi vào hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành lấy mẫu để giám sát theo định kỳ. Nếu phát hiện hệ thống này thực hiện không đạt yêu cầu về môi trường, sở sẽ tiến hành xử lý vi phạm và yêu cầu ngừng hoạt động: “Trước đây, chúng ta có một cái lò tập trung đã hư hỏng nhiều năm rồi, việc đầu tư một cái lò như vậy khá tốn kém, thành phố Nha Trang chưa có cơ hội để đầu tư.

Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết. Vừa rồi, Bộ Y tế đã có đề án đầu tư xử lý chất thải nguy hại cho bệnh viện tỉnh. Hy vọng với dự án này nó sẽ giải quyết vấn đề cơ bản chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố Nha Trang”.

Khu xử lý chất thải rắn được lắp đặt 2 máy xử lý rác thải theo công nghệ vi sóng sẽ xử lý chất thải y tế cho các Bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Nha Trang.

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đây là công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện với môi trường, không phát sinh khói, mùi cũng như các chất thải thứ cấp gây ô nhiễm.Việc không có khoảng cách cách ly an toàn đối với khu vực xung quanh, theo ông Bùi Xuân Minh, đối với công nghệ không đốt, không có yêu cầu khoảng cách cách ly an toàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế cho phép xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm tại cơ sở y tế khi sử dụng công nghệ không đốt.

Ông Bùi Xuân Minh cho biết, trước sự phản đối của người dân, Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép di dời dự án ra khuôn viên của Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa.

Ông Minh nói thêm: “Đây là dùng công nghệ không đốt. Khu đó đến tường rào cũng cách xa rồi. Theo quy định, công nghệ không đốt thì được đặt trong khuôn viên bệnh viện mà không nói khoảng cách cách ly đến nhà dân là bao xa.

Người dân không an tâm thì có trình UBND tỉnh điều chuyển ra ngoài kia, nếu mà dân phản ứng thì mình tiếp tục tuyên truyền để cho người dân hiểu về công nghệ để hiểu và thông cảm. Nếu để tình trạng này, rác y tế sẽ gây ô nhiễm môi trường sống cao hơn./.