Như vậy là điều không mong muốn đã xảy đến.“Hàng rào bên trong” để chống Covid 19 đã xuất hiện những “lỗ thủng”, đó việc ghi nhận tình trạng lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2 tại 2 cơ sở điều trị lớn ở Hà Nội là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai. Vậy, làm thế nào để khống chế tình trạng lây nhiễm chéo? Ngành y tế đang triển khai các biện pháp ra sao.
Các biện pháp chống dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đang được triển khai mạnh mẽ. |
Sau khi phát hiện một số nhân viên y tế và bệnh nhân mắc Covid 19, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành cách ly gần 500 y, bác sỹ, người bệnh và người nhà bệnh nhân của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, khoa C4 Viện Tim mạch và khoa Thần kinh. Bệnh viện đã yêu cầu người bệnh và thân nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gần 5.000 người đang có mặt tại đây.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mặc dù chưa thực hiện phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai vì đây là bệnh viện tuyến cuối, nhưng các biện pháp chống dịch vẫn đang được triển khai mạnh mẽ. “Chúng tôi bổ sung một tổ dịch tễ có trách nhiệm điều tra dịch tễ toàn bộ những vấn đề liên quan đến các bệnh nhân lây nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai để có thể truy vết, tổ chức thực hiện thông báo cho các địa phương cũng như cách ly trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện các biện phsp như đang cách ly tại nơi làm việc và nơi cư trú”.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi đã ghi nhận 2 bác sĩ tại khoa cấp cứu mắc Covid 19 cũng đang tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn các khoa phòng. Bác sĩ Đỗ Minh Tân, Phó trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: “Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để phòng chống lây nhiễm giữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa y, bác sĩ với bệnh nhân, giữa nhân viên y tế với nhân viên y tế”.
Thực tế thời gian qua đã phát hiện nhiều ca dương tính với virus SARS- CoV-2 nhưng không có bất cứ triệu chứng gì hoặc không có biểu hiện điển hình của bệnh. Trong khi đó, khoảng 20 ngày qua đã có hơn 81 nghìn người nhập cảnh nước ta, có thể mang theo mầm bệnh và đã tỏa về các địa phương trước khi thực hiện lệnh cách ly tập trung. Từ những “khoảng trống” do khách quan như vậy, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ước tính riêng địa bàn Thủ đô đang có tới 20 bệnh nhân Covid 19 trong cộng đồng chưa được phát hiện.
“Thứ nhất là nguồn lây nhiễm chéo, xuất phát từ các ổ dịch bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai. Thứ 2 là nguồn lây nhiễm từ khách du lịch và người Việt Nam nhập cảnh trước 0 giờ các ngày 14/3, 18/3 và 21/3. Nếu theo tỷ lệ đã xét nghiệm thì vẫn còn khoảng từ 10 đến 20 người có thể đã dương tính đang ở trên địa bàn mà chưa được phát hiện.”
Trước thực tế vừa nêu, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã đẩy mạnh kiểm tra việc tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, chấn chỉnh kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây chéo trong bệnh viện. Trong đó, đã có những cơ sở y tế phải rút kinh nghiệm về việc tổ chức phân luồng, cách ly người nghi nhiễm và trường hợp dương tính.
“Chúng tôi đã yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các Sở Y tế, y tế các ngành, giám đốc các bệnh viện thường xuyên kiểm tra giám sát. Nếu cơ sở nào chưa thực hiện đúng các quy định của Ban chỉ đạo quốc gia thì Bộ Y tế, Sở Y tế sẽ sẵn sàng xem xét rút phép, đóng cửa các cơ sở khám chữa bệnh đó, kể cả công và tư”.
Lây nhiễm chéo bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong bệnh viện có nhiều nguyên nhân. Nếu xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi với người bệnh đang điều trị, sức khỏe còn yếu và thường đang mắc bệnh nền nên nguy cơ biến chứng nặng và tử vong hoàn toàn có thể xảy ra nếu nhiễm thêm virus SARS COV2. Còn với các y, bác sĩ nếu mắc hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID 19 sau đó phải cách ly y tế sẽ làm suy yếu cả hệ thống phòng dịch và có thể gây thiếu nhân lực điều trị cho người bệnh trong mùa dịch này./.