Trong hai ngày 30/4 và 1/5, tại nhiều địa phương miền núi phía Bắc xuất hiện mưa lớn kèm gió lốc, mưa đá gây thiệt hại nặng về nhà cửa, hoa màu. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai công việc khắc phục hậu quả và tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống thời tiết diễn biến nguy hiểm.
Ngày 2/5, các lực lượng chức năng và nhân dân các huyện Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang và Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang đang tích cực hỗ trợ gia đình sửa chữa 180 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ bởi mưa đá, tố lốc gây ra vào mấy ngày nghỉ vừa qua, khẩn trương cứu gần 10 ha lúa bị ngập úng và 70 ha ngô, cây lâm nghiệp bị gãy đảm bảo cây trồng vụ xuân hè sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Nguyễn Văn Sáng, cán bộ Chi cục thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Khi thiệt hại xảy ra, Ủy ban nhân dân các huyện đã cử cán bộ xuống tận thôn bản để kiểm tra, động viên, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Huy động lực lượng tại chỗ lợp lại mái nhà cho dân để đảm bảo ai cũng có nơi trú ngụ. Đối với nhà sập hoàn toàn, các huyện, thành phố hỗ trợ 5 đến 7 triệu mỗi hộ. Để phòng chống mưa đá, tố lốc, bà con nhân dân nên thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng tránh kịp thời, chằng chống lại nhà cửa. Khi có hiện tượng dông lốc xảy ra trú tránh vào những khu vực an toàn”.
Lốc xoáy làm nhiều nhà dân bị hư hại |
Mưa đá kèm theo dông lốc đã làm 163 căn nhà bị sập và tốc mái, một số phòng học, nhà công vụ cũng bị hư hỏng nặng nề ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Quang Bình của tỉnh Hà Giang. Các tuyến đường Tân Trịnh - Nà Khương (huyện Quang Bình) bị sạt lở đất gây ách tắc giao thông, thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết, chính quyền địa phương các cấp kiên quyết không để bất cứ người dân nào phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”:
“Ngay sau khi mưa lốc xảy ra, toàn bộ các huyện đã chủ động dùng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương cùng các lực lượng tại chỗ giúp bà con khắc phục dựng, lợp lại nhà. Về giao thông, chúng tôi đã nỗ lực khẩn trương đến cuối giờ chiều qua đã khắc phục xong và thông đường trở lại. Hiện nay tất cả đều tập trung cho việc khắc phục hậu quả nhanh, đến nơi đến chốn, quyết không để chuyện dân phải màn trời, chiếu đất” - ông Nguyễn Đức Vinh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết nguy hiểm, mưa đá, dông và lốc xoáy còn tiếp tục diễn ra đến hết tháng 5, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc cần chủ động đề phòng. Tỉnh Bắc Kạn đã lên phương án di dời 200 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn khi cần thiết…
Ông Hà Kim Oanh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Các địa phương đã chủ động dự trù vật tư vật liệu, rọ đá, đá hộc để sử dụng khi cần thiết. Đối với ngành giao thông cũng đã có phương án sẵn sàng về phương tiện máy móc để đảm bảo thông đường khi xảy ra các sự cố như sạt lở, ách tắc giao thông để làm sao giao thông được thông suốt một cách sớm nhất. Bắc Kạn có cả 8/8 huyện thị xảy ra lốc, mưa đá với những vùng cao, khó khăn về giao thông thì nguy cơ xảy ra mưa đá, tố lốc và khả năng khắc phục khó khăn hơn. Chính vì vậy trong chỉ đạo chung của Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải rà soát các khu vực này rồi có phương án di dời xen ghép”./.