Sáng 2/4 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà cảnh báo do bị khai thác quá mức, nguồn tài nguyên biển của Việt Nam đang bị cạn kiệt, suy thoái nhanh; Nguồn thải từ đất liền ngày càng lớn, ô nhiễm trên biển gia tăng, một số khu vực đã bị ô nhiễm đến mức báo động; Các hệ sinh thái biển chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế biển, kinh tế-xã hội vùng ven biển, từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi đó, hiểu biết của xã hội về biển chưa đầy đủ, thiếu toàn diện; Cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển chưa được quy định rõ, chưa được vận hành thông suốt; thiếu quy hoạch tổng thể nên còn xảy ra xung đột giữa khai thác, phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn.

Tài nguyên và môi trường biển có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển, là cơ sở nền tảng vững chắc để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Tuy nhiên nguồn tài nguyên này chưa được phát huy hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ giúp cho xã hội hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển. Tầm nhìn 2030 góp phần ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học biển nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái biển ở mức ổn định.

Để thực hiện thành công Chiến lược, đưa tài nguyên và môi trường biển thực sự trở thành nguồn lực giúp Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, Bộ Tài nguyên-Môi trường đưa ra 6 giải pháp tổng thể, trong đó chú trọng đào tạo, huy động, sử dụng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu về biển, quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên, môi trường biển, hải đảo. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển./.