Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Một phần của Dự thảo bổ sung các quy định về mức giá phục vụ hành khách và giá thuê mặt bằng tai nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

vd1_sjmf.jpg
Theo hợp đồng BOT giữa Quảng Ninh và chủ đầu tư dự án sân bay Vân Đồn, chủ đầu tư sẽ có thời gian khai thác để thu hồi vốn trong 45 năm, mức lợi nhuận bằng 14% tổng chi phí đầu tư.

Theo đó, sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư (gồm cả lãi vay) là 7.258 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến 14% tổng chi phí. Thời gian khai thác hoàn vốn cho chủ đầu tư là 45 năm.

Sản lượng khai thác năm đầu tiên dự kiến hơn 1,8 triệu lượt khách nội địa và khoảng 688.000 khách quốc tế.

Về chi phí quản lý, khai thác sân bay Vân Đồn, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) sử dụng các dữ liệu của sân bay Đà Nẵng năm 2016 để tham chiếu, thẩm định.

Sau khi thẩm định, Cục HKVN giảm tổng nguyên giá thiết bị nhà ga Vân Đồ từ 527,5 tỷ đồng xuống 519,9 tỷ đồng; chi phí khấu hao, sửa chữa, bảo hiểm từ 224,2 tỷ đồng xuống 220,2 tỷ đồng; chi phí quản lý khác giảm từ 3,3 tỷ đồng xuống 1,67 tỷ đồng.

 Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 497 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Vân Đồn, trong đó điều chỉnh chiều dài đường hạ cất cánh từ 3.000m thành 3.600m để đảm bảo khai thác các máy bay B777, B787, A350, B747-400 trong giai đoạn đến năm 2020.

Cục Hàng không cũng thống nhất với đề xuất thu mức phí của nhà đầu tư. Theo đó, giá dịch vụ với hành khách quốc tế là 20 USD/người; giá cho thuê mặt bằng là 900 nghìn đồng/m2.

Với các loại giá sử dụng dịch vụ tại sân bay khác do nhà nước quy định, chủ đầu tư đề xuất mức thu tối đa bằng 70% mức giá nhà nước quy định (giảm giá 30%) trong 3 năm đầu, để thu hút các hãng hàng không tới với sân bay này. Đề xuất này của nhà đầu tư được Cục Hàng không đánh giá là phù hợp.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhà ga dự kiến sẽ hoàn thành thi công vào tháng 8/2018.

Chủ đầu tư sẽ lập phương án và báo cáo Thủ tướng cho phép mở cảng và đón chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2018.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, CHK Vân Đồn được quy hoạch là một trong những cảng hàng không quốc tế có quy mô cấp 4E và sân bay quân sự cấp II, công suất khai thác từ 2-2,5 triệu lượt khách/năm. Tới năm 2030 sẽ nâng công suất lên 5 triệu lượt khách/năm.

Tháng 3/2018, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 497 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Vân Đồn, trong đó điều chỉnh chiều dài đường hạ cất cánh từ 3.000m thành 3.600m để đảm bảo khai thác các máy bay B777, B787, A350, B747-400 trong giai đoạn đến năm 2020.

Dự án CHK Vân Đồn sau khi điều chỉnh có tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đó. Phần vốn tăng chủ yếu do tăng chi phí xây dựng và thiết bị, không tăng vốn GPMB do ngân sách tỉnh bố trí.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn vốn tăng thuộc phần vốn BOT của dự án, do nhà đầu tư thực hiện./.