Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của việc sạt lở ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mekông, tức là sự thiếu cát và phù sa mà nguyên nhân là do các đập thủy điện chặn cát, phù sa và do khai thác cát trên sông Mekông ở các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Nếu như có thêm 11 đập trên dòng chính sông Mekông ở Lào và Campuchia thì 100% cát sẽ bị chặn lại và ĐBSCL sẽ không còn cát về.
Khu vực sạt lở Quốc lộ 91 ở tỉnh An Giang. |
Sạt lở diễn ra khốc liệt cả bờ biển lẫn bờ sông
Huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đang là “điểm nóng” về sạt lở bờ sông, chỉ tính trong năm 2018 toàn huyện xảy ra 48 điểm sạt lở bờ sông, làm thiệt hại 32 căn nhà của người dân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 29 điểm sạt lở, làm thiệt hại 29 căn nhà, đường giao thông nông thôn và bờ vuông tôm của người dân.
Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Năm Căn cho biết, cứ vào đầu mùa mưa là diễn ra sạt lở, đa phần người dân địa phương sống ven theo các con sông, kênh rạch để tập trung buôn bán nên khi xảy ra sạt lở thì nhà cửa, tài sản theo nhau xuống dòng nước cuốn. Để ứng phó với sạt lở, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình, chủ động di dời khi có tình huống xấu xảy ra.
"Tần suất sạt lở năm sau, cao hơn những năm trước. Số vụ sạt lở nhiều hơn, mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Năm 2018, có đoạn sạt lở chỉ vài mét, nhưng đến nay sạt lở rất dài, với chiều sâu vào đến vài chục mét. Mức độ sạt lở trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm hơn", ông Trung cảnh báo.
Kiểm soát và quản lý khai thác cát
Theo số liệu của Ủy hội Mekông quốc tế cho biết, lượng bùn của Sông Mekông so sánh năm 1992 với năm 2014 đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 82 triệu tấn/năm. Sắp tới khi có thêm các đập thủy điện ở thượng nguồn thì lượng cát sẽ càng giảm thêm và sạt lở ở ĐBSCL sẽ gia tăng. Đặc biệt là vấn đề khai thác thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính gây ra sạt cho vùng.
Từ đầu năm đến nay ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận gần 40 điểm sạt lở, ước thiệt hại gần 3 tỷ đồng, trong đó, huyện Châu Thành nằm cặp sông Hậu xảy ra sạt lở nhiều nhất với 35 điểm. Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều khu vực cặp sông Hậu liên tiếp xảy ra sạt lở trong thời gian ngắn. Có nhiều nguyên nhân khiến tình hình sạt lở ngày càng gia tăng, trong đó phải kể đến nạn khai thác cát vô tội vạ trên các tuyến sông hiện nay.
"Do địa bàn Châu Thành nằm tiếp giáp với Sông Hậu nên việc triều cường trên lệch rất cao do đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sạt lở. Cái thứ hai là việc khai thác cát trên các tuyến sông Hậu cũng như tuyến sông Mekông làm cho cái việc việc bồi lắng của các tuyến sông cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn trong thời gian qua cũng rất là hạn chế thì đây cũng là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn đề sạt lở", ông Kiệt cho biết thêm.
Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long
Theo ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, năm nay nước lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp cho nên đất ven sông bị “hổng chân” dẫn đến nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao tăng cao. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 17 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Tuy nhiên một số doanh nghiệp chưa tuân thủ việc khai thác, vẫn còn tình trạng khai thác cát vượt công suất cho phép làm ảnh hưởng đến địa hình ở một số đáy sông trên địa tỉnh và việc khai báo ít để trốn thuế cũng gây thất thu ngân sách Nhà nước. Trong 2 năm qua, Cục Thuế tỉnh An Giang đã kiểm tra, xử lý truy thu, phạt thuế đối với 17 doanh nghiệp với số tiền gần 430 triệu đồng. Ngoài ra, nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại các huyện An Phú, Chợ Mới và thị xã Tân Châu, lượng chức năng đã xử lý 557 trường hợp, với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng.
"Khi kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện 37 trường hợp mà khai thác cát không phép, trái phép. Cái việc khai thác khoáng sản trái phép nếu mà nó ở gần bờ thì nó cũng góp phần tạo ra hố sâu, xoáy cục bộ thì làm gia tăng quá trình sạt lở mà những đoạn sạt lở đã từng xảy ra", ông Môn nói.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL là do thiếu hụt phù sa và thiếu cát, nếu càng khai thác thì đáy sông càng bị sâu. Nếu vẫn tái diễn tình trạng khai thác cát tràn lan như hiện nay mà không có sự kiểm soát thì chắc chắn sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trầm trọng hơn. Vấn đề hiện nay cần áp dụng Quyết định 597 của Chính phủ về Liên kết vùng cho vấn đề quy hoạch khai thác cát. Bởi vì sông Cửu Long là một hệ thống, khi khai thác cát ở phía trên thì toàn bộ dòng sông bên dưới và cả bờ biển sẽ bị thiếu cát tình trạng sạt lở diễn ra là đương nhiên.
Ông Hữu Thiện nhấn mạnh: "Về nguyên tắc, khi khai thác cát ở đáy sông tạo ra hố sâu thì đáy sông sẽ diễn ra quá trình tái phân phối vật liệu đáy sông, càng khai thác cát thì đáy sông càng bị sâu đi. Bùn và cát được dòng sông Mekông mang từ thượng nguồn xuống bồi đắp cho đồng bằng hàng năm là nhờ dòng nước chảy mạnh của mùa nước nổi. Những năm nào mưa ít, sông yếu thì lượng bùn cát của dòng sông mang về rất ít, làm cho đồng bằng thiếu phù sa dẫn đến sạt lở".
Trên địa bàn thị trấn Năm Căn có khoảng 500 hộ dân sống ven sông có nguy cơ bị sạt lở. |
Rõ ràng sạt lở vùng ĐBSCL thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của hàng ngàn hộ dân trong vùng. Việc làm cấp bách hiện nay là các địa phương cần phải kiểm soát chặt việc cấp phép, khai thác cát và quản lý tình trạng cát tặc lộng hành thời gian qua. Nếu không vài năm nữa sẽ không còn thấy một đồng bằng màu mỡ, trù phú về sản vật.
Thay vào đó là tình trạng sạt lở xảy ra liên tục và ngày càng gia tăng về tốc độ, khiến cho người dân nơm nớp, chính quyền tiếp tục loay hoay. Ở bài viết cuối chúng tôi sẽ đề cập những giải pháp cần ưu tiên cũng như sự chung tay của người dân và các cấp chính quyền địa phương để cứu ĐBSCL trước mối đe dọa sạt lở đang hiện hữu./.