Cuộc sống ở quê khó khăn, trông cậy vào mấy sào ruộng không đủ ăn khiến những lao động nghèo phải đi làm ăn xa, theo cách nói của họ là đi làm kinh tế, để có thêm tiền gửi về quê cho gia đình. Nay dịch bệnh bùng phát, gánh nặng kinh tế lại càng đè nặng lên đôi vai những người lao động tự do xa quê.
Bữa cơm chỉ có cá khô, canh mì tôm
Trong căn nhà thuê lụp xụp rộng khoảng 30m2 ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), 15 lao động tự do kẹt tại Hà Nội đang chống chọi từng ngày với khó khăn về tài chính, nguồn thức ăn, dịch bệnh.
Cả đội anh Thạc (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ra Hà Nội được hơn 20 ngày, mới vào công trình được 5 ngày, làm 4 ngày thì có chỉ thị giãn cách nên nghỉ làm từ đó đến nay.
Anh Thạc điện thoại cho chủ thầu xây dựng hỏi về việc hỗ trợ người lao động khi dịch bệnh, nhưng theo quy định nếu làm lâu thì họ hỗ trợ 20.000-25.000 tiền ăn mỗi ngày, còn những lao động mới phải chấp nhận nếu không được hỗ trợ.
Mọi người ở đây đều làm thời vụ, công việc tự do nên đến công trường làm thuê thì chủ thầu bảo gì làm đó, đa số được phân công việc trát vôi vữa. Một người làm chủ sẽ đứng ra nhận công việc rồi làm được bao nhiêu chia đều.
“Trong 20 ngày giãn cách vừa rồi, nhà ai còn tiền thì gửi ra, ở đây mọi người cùng ăn rồi hết dịch đi làm có tiền thì gửi lại. Tiền nhà, tiền điện sinh hoạt cũng góp vào chi trả. Hiện tại, chúng tôi không đi làm được, cũng không còn tiền nên hầu hết phải nhờ gia đình gửi từ quê ra đây”, anh Thạc chia sẻ.
Đợt giãn cách này cả nhóm được UBND phường phát phiếu cách 4 ngày đi chợ 1 lần. Vì không có tủ lạnh nên chị Lý chỉ mua cá khô, lạc để dành cho những ngày sau không đi chợ.
Ngày đầu đi chợ, chị mua được ít rau, cá tươi về ăn. Giá cả tăng cao, thịt tăng 30-40 nghìn đồng/kg, rau tăng gấp 2-3 so với ngày thường. Đợt này không đi làm được nên tiền mua thức ăn cũng hạn chế.
Trong đội ai cũng cạn kiệt tiền nên chỉ có thể mua đồ khô về ăn. Bữa cơm của họ hầu như chỉ là cá khô, dùng mỳ tôm nấu lẫn chút rau làm canh ăn tạm.
Căn nhà thuê ở được dựng bằng tôn xung quanh. Không gian nhà chật hẹp vỏn vẹn 30m2 cho 15 người sinh sống. Giường được làm bằng mấy tấm phản rồi trải chiếu lên để ngủ. Ở đây, ngoài nỗi lo từng bữa ăn để sống qua mùa dịch thì căn nhà nóng bức, ngột ngạt cũng khiến cả đội chật vật từng ngày.
“Tôi và những người dân lao động tự do ở đây đa số gửi con nhỏ cho ông bà ở quê chăm sóc để đi làm kiếm tiền gửi về quê. Sắp vào năm học mới mà vẫn chưa có tiền mua sách vở cho cháu”, chị Lý buồn bã tâm sự.
Không dám kể khó khăn với gia đình
Một nhóm công nhân khác ở gần đó là Anh Lê Văn Minh và vợ quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Vì phải kiếm tiền nuôi gia đình, con cái ăn học nên vợ chồng anh để hai đứa nhỏ ở nhà cho ông bà nội trông nom, chăm sóc.
Làm việc ở ngoài này đã lâu nhưng vợ chồng anh vẫn làm ruộng ở quê. Lúc nông nhàn, họ tranh thủ ra ngoài Hà Nội làm thuê, đến vụ mùa thì vợ chồng lại về quê lo việc đồng áng.
Đợt này anh Minh mới ra đi làm được vài hôm thì có dịch, vợ anh ra sau đi làm được nửa ngày thì có chỉ thị giãn cách xã hội. Từ đó đến nay, hai vợ chồng anh chỉ quanh quẩn trong khu trọ này.
Trên tấm phản cũ, bữa ăn của gia đình anh Minh chỉ vỏn vẹn nồi canh rau muống, ít thịt và bát nước mắm. Đây là bữa ăn ngon nhất của họ trong những ngày qua.
Bình thường hai vợ chồng anh làm việc chăm chỉ đến hết tháng thì lĩnh khoản lương khoảng 10 triệu đồng. Từ hôm ra Hà Nội đến nay, cả hai không đi làm được, không có lương nên chưa gửi được về cho ông bà đồng nào để nuôi cháu.
Anh Lê Đăng Linh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh là công nhân lao động tự do, công việc chủ yếu là xây và trát công trình. Anh theo công việc này đã lâu nhưng chỉ là công việc thời vụ, không có hợp đồng cho nên khi nào có việc thì đi làm.
Khi có lệnh giãn cách xã hội, công trình phải dừng thi công nên mọi người đều phải nghỉ việc từ hôm đó đến giờ.
Nhu yếu phẩm hàng ngày đều tăng giá nhưng vì không phải lao động nên mọi người ăn uống, sinh hoạt cũng giản dị hơn ngày thường. May mắn hơn các nhóm công nhân khác, việc ăn uống của nhóm anh Linh được chủ thầu chu cấp nên cũng không phải lo lắng. Trong thời gian này, chủ thầu vẫn quan tâm đến đời sống sinh hoạt của mọi người nhưng cũng không thể đảm bảo được như trước đây.
“Nhiều người cũng rất muốn về quê nhưng vì tình hình dịch bệnh nên phải cố gắng bám trụ lại. Nếu Hà Nội hết giãn cách thì họ còn có thể đi làm lại được, nhưng về quê lại phải cách ly 21 ngày nên bằng mọi giá phải cố gắng ở lại Hà Nội. Ở quê mọi người vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhưng cũng không dám kể chuyện khó khăn, vất vả để mọi người khỏi lo”, anh Linh tâm sự.
Nếu công việc thuận buồm xuôi gió, anh Linh sẽ tiết kiệm được vài triệu gửi về cho ông bà lo cho cháu. Lương cứng nếu được bao ăn ở là khoảng 250.000 đồng/ngày nhưng bây giờ dịch bệnh nên không có lương. Nhiều người ở đây đã gần như cạn kiệt về kinh tế.
Biết được hoàn cảnh của đội anh Linh, nhiều mạnh thường quân đã qua hỗ trợ nhưng anh Linh chỉ xin được nhận những nhu yếu phẩm hàng ngày, còn tiền mặt thì nhờ mọi người gửi giúp đến những nơi khó khăn hơn.
Hơn nửa tháng qua, khi chính quyền Hà Nội siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch Covid-19, những người như anh Linh hay anh Thạc đều không ai dám ra đường sợ bị xử phạt. Họ chỉ loanh quanh khu phòng trọ, trông chờ hết giãn cách, hết dịch để được đi làm.
Trả lời PV VTC News, ông Trần Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh từ Báo điện tử VTC News, tôi đã cùng các cán bộ ở phường xuống trực tiếp phòng trọ nơi có 15 người lao động đang sinh sống. Sau khi rà soát và khai báo tạm trú, những người lao động này đã được xét nghiệm dịch tễ để tránh việc có thể lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chiều cùng ngày, UBND phường Tây Mỗ đã phát lương thực, thực phẩm đến từng cá nhân của đội công nhân này”./.