Trong số hơn 135 bệnh nhân Covid 19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đến nay đã có hơn 90 người khỏi bệnh, trong đó có những bệnh nhân rất nặng, có bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn trong đêm đã được cấp cứu kịp thời và vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Đây là công lao lớn của đội ngũ các thầy thuốc – những người đã làm tất cả những gì có thể để cứu sống bệnh nhân của mình.
Để có được rất nhiều tiếng vỗ tay của bệnh nhân mỗi khi điều trị khỏi bệnh xuất viện, các thầy thuốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã phải trực cắm chốt tại bệnh viện. Người ít nhất là hơn một tháng chưa được về với gia đình, người nhiều nhất là từ trước tết khi miền Bắc có những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Bác sỹ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trường Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết, dù ở khoa không có những bệnh nhân quá nặng, bác sỹ có thể làm 12 tiếng được, nhưng vẫn phải chia 3 ca vì nguy cơ rất lớn. Mỗi nhân viên y tế ở đây đều là các F1 tiếp xúc trực tiếp với người bệnh kể từ tuần đầu của tháng 3, khi Hà Nội bắt đầu có người bệnh trong cộng đồng.
"Từ đợt tháng 1 khi có thông báo sẽ có dịch bệnh như vậy thì mình và nhân viên bệnh viện ai cũng có sẵn vali trong xe để khi thông báo, sẽ ở lại bệnh viện luôn. Con mình thỉnh thoảng gọi điện thế hôm nay mẹ có được về không, hôm nay mẹ đã phải ở lại chưa. Cả nhà xác định tinh thần như vậy” - bác sỹ Mai chia sẻ.
Giai đoạn khó khăn nhất là giai đoạn đầu tiên của dịch, không chỉ là của nhân viên y tế mà là vấn đề gia đình của họ. Bác sỹ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp cho biết, hơn 1 tháng nay, chị cũng trực điều trị tại bệnh viện, song những gia đình 2 vợ chồng cùng là điều dưỡng, cùng làm việc tại bệnh viện, 2 con nhỏ, rồi nhà trọ lại không được thuê nữa.
“Bước chân qua cánh cửa vào phòng bệnh nhân thì mình hiểu rằng mình sẽ đối mặt với nguy cơ có thể lây nhiễm bất kỳ lúc nào, cũng lo lắng khi trực tiếp chăm sóc và điều trị cho những ca bệnh dương tính. Nhưng đó vẫn coi được là nghề nghiệp của mình mà công việc mình đã lựa chọn và mình sẵn sàng làm. Nó sẽ không quá khó khăn như đối mặt với câu hỏi của con là bao giờ mẹ về nhà” - bác sỹ Ninh nói.
Không bao giờ có giấc ngủ sâu trong suốt đợt dịch bệnh. Chỉ cần nghe hay mơ thấy tiếng máy thở, tiếng chuông báo động là lại bật dậy ngay. Đây là điều mà bác sỹ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực và nhiều đồng nghiệp thường gặp khi điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 có diễn biến rất nặng những ngày qua. Có đêm, cả khoa đã thức trắng để cấp cứu cho bệnh nhân là bác ruột của bệnh nhân số 17 đã 3 lần bị ngừng tuần hoàn.
Trong “cuộc chiến” chống Covid 19, sự hy sinh của các thầy thuốc là không thể đong đếm. Họ chỉ mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, người dân được bình yên, khi đó các bác sỹ sẽ được về nhà. Sự quan tâm, động viên của cộng đồng những ngày qua đã “tiếp lửa” tinh thần không nhỏ cho các thầy thuốc.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Từ đầu mùa dịch, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của nhiều người trong xã hội, những sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, điều đó đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh đấu tranh với dịch bệnh, còn truyền thống của ngành y trên thế giới và Việt Nam, chúng tôi luôn luôn làm, tìm tòi rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Chúng tôi đang làm các nghiên cứu nếu có kết quả chúng tôi sẽ chia sẻ rộng rãi với các đồng nghiệp”.
Với mỗi thầy thuốc, được nhìn thấy người bệnh có tiến triển trong điều trị, khỏe mạnh lên từng ngày là điều hạnh phúc hơn cả và đó là sứ mệnh thiêng liêng chữa bệnh cứu người của nghề cao quý này./.