Những trái tim nhân hậu cao cả

Bác sỹ Nguyễn Quang Ánh làm việc tại Trạm xá Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) sẽ có một cuộc sống bình yên, ổn định nếu như không có việc anh vô tình bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân là những tù nhân đang cải tạo trong trại giam.

Sự việc chỉ được phát hiện lúc vợ anh sinh con gái đầu lòng. Niềm vui về một thành viên mới của gia đình vừa đến cũng là lúc anh Ánh được thông báo một “tin sét đánh ngang tai”, chính anh là người lây bệnh cho vợ.

Đau đớn hơn là lúc đó anh đã không ngăn nổi việc người vợ tìm đến cái chết như một sự giải thoát mà chưa kịp biết rằng cô con gái không bị nhiễm HIV. Bác sỹ Nguyễn Quang Ánh cho biết, việc anh bị lây nhiễm bệnh là một rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra đối với những thầy thuốc làm việc tại trại giam trong giai đoạn đầu đối phó với HIV/AIDS.

bac-si.jpg
Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh và sự tận tụy (Ảnh minh họa)

Bởi lẽ, trong số hơn 17.000 phạm nhân tại các trại giam, có tới một nửa số người từng nghiện ma túy và 10% nhiễm HIV. Mang trong mình một cái chết được báo trước, mất vợ và thường xuyên phải xa con nhưng anh Ánh chưa một lần oán hận những bệnh nhân. Thay vào đó là nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ. Anh chia sẻ: “Tất cả những phạm nhân mà tôi chữa trị bệnh cho họ, mặc dù có thể ở ngoài đời, họ là  những tay anh chị cộm cán, nhưng khi vào trong trại giam, họ đều cần được động viên chia sẻ, an ủi. Những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như tim, gan, HIV giai đoạn cuối, trước khi họ từ giã cõi đời họ nói rất thật. Tôi luôn an ủi, động viên họ để họ xóa tan mặc cảm cũng chính là hỗ trợ cho bệnh tật của tôi vì tôi cũng là một bệnh nhân, tôi thấu hiểu hơn ai hết”.

“Mang ánh sáng để xua đi bóng tối”

Một người thầy thuốc khác cũng có những hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hai lần tu nghiệp tại Pháp và bảo vệ xuất sắc luận văn y khoa chuyên ngành tim mạch, ông đã từ chối lời mời của Trung tâm Tim mạch hiện đại nhất nước Pháp để về Việt Nam làm việc. Đó là bác sỹ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

Ông gắn bó với bệnh viện từ những ngày đầu khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn và nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu. Noi theo tấm gương người thầy là Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sỹ Phú đã nung nấu theo đuổi đến cùng ước mơ cứu sống bệnh nhân tim mạch ngay tại quê hương.

Ông đã huy động sự giúp đỡ của bạn bè ở nước ngoài và cùng tập thể bệnh viện nỗ lực xây dựng Trung tâm Tim mạch đầu tiên của miền Trung. Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 3 Trung tâm Tim mạch lớn nhất cả nước, thực hiện 25.000 ca được phẫu thuật mỗi năm và là một trong số ít đơn vị thực hiện được kỹ thuật ghép tim. Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đức Phú đã giành được giải thưởng “chiếc kéo vàng” của Hội Ngoại khoa Việt Nam và vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.  

Ông tâm sự: “Trong đời người thầy thuốc, bi kịch họ phải đối mặt, đó là những tai biến có thể xảy ra. Có biết bao lý lẽ có thể biện minh cho việc mình đã tận tâm, tận lực. Có bao nhiêu điều để biện minh rằng đó là tỷ lệ cho phép trên y văn và thậm chí những lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân sau khi người thân mất, thì nỗi ám ảnh  về cái chết của bệnh nhân đối với thầy thuốc vẫn cứ tồn tại. Chúng tôi lớn lên từ những thành công và thất bại và tìm được niềm vui trong nghề của mình”.

Với bác sỹ Triệu Văn Dân, người dân tộc Dao, trạm trưởng Trạm y tế xã Long Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn thì việc anh tình nguyện công tác tại vùng sâu, vùng xa gần 20 năm qua cũng tự nhiên như vùng quê này.

Thời điểm đó, anh Dân hoàn toàn có thể về công tác tại vùng trung tâm nhưng anh tình nguyện về Khánh Long- một xã nghèo nhất của huyện miền núi Tràng Định để giúp những người dân tộc Dao, Mông được chăm sóc sức khỏe, loại bỏ hủ tục, góp phần nâng cao đời sống.

Từ trung tâm thị trấn của huyện đến Trạm y tế xã Khánh Long phải vượt qua hàng chục dốc cao, đèo thẳm và 8 con suối sâu. Vậy mà hàng tuần, bác sỹ Dân vẫn tranh thủ về với gia đình và vội vàng trở lại trạm y tế phòng khi có bệnh nhân. Khổ nhất là khi trời mưa lũ, trong khi bản xa nhất cách trạm y tế tới cả chục cây số.

Yêu nghề, thương dân, gần 2 thập kỷ qua, đôi chân anh đã in dấu trên khắp mọi bản làng để chữa bệnh cứu người. Mặc cho mưa, rét, đêm hôm, có người bệnh là anh lại lên đường.

“Nếu lùi lại 20 năm về trước, tôi vẫn chọn nghề y và sẵn sàng đi phục vụ vùng sâu, vùng xa như hiện tại tôi đang công tác vì ở đó bà con vẫn cần mình”, anh Triệu Văn Dân cho biết.

Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh và sự tận tụy. Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm, hàng nghìn tấm gương tiêu biểu trên khắp mọi miền của Tổ quốc, dung dị mà nhân ái, lặng lẽ mà ân tình. Họ là những bông hoa thơm đã và đang lan tỏa trong toàn ngành y tế, góp phần “mang ánh sáng để xua đi bóng tối”./.