Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về 5 quy hoạch, trong đó có quy hoạch về giáo dục và y tế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, trong 8 năm tới, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 25 bệnh viện và 300 trường mầm non công lập để giảm quá tải.

Làm thế nào để thực hiện có hiệu quả các quy hoạch này, không để xảy ra tình trạng quy hoạch treo? PV Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết, thành phố sẽ dành những nguồn lực nào để thực hiện các quy hoạch về nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, thương mại vừa được HĐND thành phố thông qua?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Đây là những quy hoạch chuyên ngành rất quan trọng khi thành phố triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua.

the-thao1.jpg

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Trước tiên, về cơ cấu nguồn vốn, đối với các quy hoạch về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại thì phần cơ cấu nguồn vốn ngân sách khoảng 10% còn lại 90% là nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế,  xã hội để đầu tư vào phần sản xuất- kinh doanh.

Đối với quy hoạch giáo dục, y tế thì vốn ngân sách chiếm 65% còn lại huy động xã hội hóa.

Nguồn vốn ngân sách trong 5 năm tới chỉ ưu tiên cho những công trình cấp bách còn lại đặt vào phân kỳ của 5 năm tiếp theo.

Vấn đề cơ bản là làm sao có cơ chế chính sách để huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách, để khi vốn đưa vào mang lại hiệu quả.

UBND thành phố đã tính toán sau khi quy hoạch được thông qua sẽ ban hành cơ chế, chính sách huy động được nguồn vốn này theo cách đảm bảo lợi ích khi mà các nguồn vốn xã hội đầu tư vào không những mang lại hiệu quả cho quy hoạch mà còn mang lợi ích của xã hội.  

PV: Vậy thành phố có giải pháp đột phá gì để không xảy ra tình trạng quy hoạch treo trong quy hoạch giáo dục và y tế?  

Ông Nguyễn Thế Thảo: Mạng lưới bệnh viện, trường học phải căn cứ vào quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bây giờ giải pháp thực thi về quy hoạch đất đai chúng ta đã có, chủ yếu là huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư thôi.

Sau khi phê duyệt quy hoạch chúng tôi ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện; đặc biệt UBND thành phố sẽ ban hành quy chế để quản lý quy hoạch.

PV: Nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học và bệnh viện chiếm tới 35%. Điều này dẫn đến tình trạng trường học lạm thu và bệnh viện tận thu. Thành phố có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát về giá, thu phí trong bất kỳ trường hợp nào. Đây là vấn đề tồn tại mà thành phố cần khắc phục trong xã hội hóa trong giai đoạn vừa qua./.

PV: Xin cảm ơn ông!