Sáng 10/6, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6 hàng năm), nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về các chiến dịch chấm dứt lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Việt Nam.

Tham dự buổi lễ mít tinh có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs-Kjeldgaard và Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, ngài Fernando Curcio Ruigumez.

Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2011 kêu gọi nỗ lực toàn cầu đối với vấn đề trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp để xoá bỏ vấn nạn này.

Theo thống kê của ILO, trên thế giới hiện có 215 triệu lao động trẻ em, trong đó có 115 triệu em đang làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bản thân các công việc này hoặc cách thức thực hiện các công việc này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn và đạo đức của các em. Đối với một số trường hợp, những công việc này còn đe doạ đến tính mạng các em.

Với chủ đề “Cảnh báo- Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm – Hãy chấm dứt lao động trẻ em!”, ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em ở Việt Nam hướng tới kết nối các hoạt động của quốc gia và ở địa phương với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở trên khắp thế giới để tạo nội lực và đẩy mạnh phong trào toàn cầu trong phòng chống lao động trẻ em đặc biệt trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và kêu gọi những hành động cấp bách để giải quyết vấn nạn này.

Phát biểu khai mạc lễ mít tinh, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Vấn đề lao động trẻ em không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề lao động trẻ em cũng không chỉ bằng một biện pháp, chính sách đơn lẻ mà đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ lao động trẻ em và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế. Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực và bóc lột lao động trẻ em để không còn tái diễn những trường hợp tương tự như em Bình ở Hà Nội, em Hào Anh ở Cà Mau”.

Cũng tại lễ mít tinh, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs-Kjeldgaard chia sẻ: “Tất cả trẻ em đều đáng được và cần phải được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này chỉ được thực hiện khi tất cả trẻ em đều có điều kiện đi học đầy đủ, được giáo dục và được hưởng các dịch vụ xã hội thiết yếu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa vấn đề quan trọng này vào các chương trình, chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục nâng cao năng lực ở cấp quốc gia trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được phê duyệt và để đảm bảo mọi trẻ em được đến trường và hưởng các các dịch vụ xã hội”.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2011, Việt Nam tổ chức một chiến dịch truyền thông bao gồm các hoạt động như: Cuộc thi vẽ tranh cho các em học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở ở 5 tỉnh thực hiện thí điểm dự án phòng, chống lao động trẻ em là Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam và Đồng Nai; xây dựng và phát sóng trên truyền hình các phóng sự, thông điệp về vấn đề lao động trẻ em; tổ chức một gameshow Chiếc nón kỳ diệu phát trên truyền hình quốc gia để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này.

Cũng tại Lễ mít tinh, chiến dịch 5000 chữ ký cam kết hành động hướng tới mục tiêu 5000 trẻ em được ra khỏi điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được phát động./.