Sáng 16/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn họp khẩn bàn giải pháp ứng phó. Cuộc họp khẩn sáng 16/10 bàn giải pháp ứng phó bão
Đến sáng nay, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 134.000 phương tiện với 261.140 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão Sarika để chủ động phòng tránh.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho thấy, mưa lũ đã làm 15 người chết, 9 người mất tích, 18 người bị thương. Trong đó, tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề về người.
Các đại biểu cho rằng, công tác trọng tâm hiện nay là song song với việc tập trung cứu chữa người bị thương tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, bố trí chỗ ở tạm cho những hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, ngập.
Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, công tác cứu hộ tại các địa phương đã và đang được các lực lượng triển khai. Bộ Quốc phòng cũng đã có các công điện chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng chủ động hiệp đồng với địa phương cứu trợ người dân và ứng phó bão.
“Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo các quân khu từ quân khu 1 đến quân khu 5 với các lực lượng Bộ tư lệnh biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Không quân, Công binh với quân số điều động dự kiến gần 4.000 cán bộ chiến sĩ cùng 450 phương tiện trang thiết bị các loại sẵn sàng cơ động ứng phó" - ông Phạm Văn Tỵ cho biết và đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thường xuyên theo dõi thông báo cho Ban chỉ đạo, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương để chủ động phương án và kế hoạch ứng phó kịp thời.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý, bão Sarika là cơn bão mạnh, có đường đi phức tạp, có tầm ảnh hưởng rộng vì vậy các địa phương phải chủ động các phương án, không chủ quan trong ứng phó, đặc biệt là những địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ ở khu vực Bắc miền Trung.
Ứng phó bão Sarika đang áp sát biển Đông, các địa phương khẩn trương kêu gọi và quản lý các tàu thuyền ra khơi. Kiểm tra, rà soát và kiên quyết di dời dân đang sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Để hạn chế tình trạng lũ chồng lũ do mưa bão gây ra, các địa phương chủ động xả nước các hồ chứa, nhất là các hồ chứa đã đầy, đang xả tràn để đảm bảo an toàn công trình và dân cư.
Ông Hoàng Văn Thắng đề nghị:“Trên biển các đơn vị liên quan hướng dẫn tàu thuyền di dời khẩn trương ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, thông báo đầy đủ thông tin diễn biến của bão đến nhân dân để chủ động phòng tránh. Ứng phó với bão mạnh phải có phương án di dời triệt để người dân những vùng có nguy cơ cao, hoạt động ven bờ đặc biệt là những hoạt động du lịch và nuôi trồng thủy sản.
Vị trí và đường đi của bão. |
Đặc biệt chú ý vấn đề hồ chứa, đối với các hồ chứa nhỏ Tổng cục thủy lợi phối hợp với địa phương bàn bàn cụ thể phương án xả tràn, trước khi xả tràn phải thông tin kịp thời đến chính quyền nhân dân vùng hạ du chủ động ứng phó. Đối với các hồ chứa lớn Tổng cục thủy lợi phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam tính toán cụ thể lượng xả, tránh thiệt hại cho người dân vùng hạ du và cơ sở hạ tầng”.
Đối với sản xuất nông nghiệp, ông Hoàng Văn Thắng cũng đề nghị Cục Trồng trọt có văn bản với các địa phương để kịp thời thu hoạch bảo vệ sản xuất lúa. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam đảm bảo an toàn các hồ đập, và những hoạt động về khai thác mỏ. Đối với Bộ Giao thông vận tải, ngoài đảm bảo giao thông thông suốt cần chú ý vấn đề neo đậu các tàu vận tải./.