Theo thống kê, các KCN Bắc Ninh thu hút hơn 1.100 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 320.000 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm 75% nên việc đi lại giữa các địa phương rất lớn. Bắc Ninh cũng được coi là trung tâm của các tỉnh phía Bắc về sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, viễn thông.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc gia tăng nhanh chóng như hiện nay, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu tất cả các doanh nghiệp có nhà ở tạm thời cho công nhân ở tại chỗ thì mới cho hoạt động. Việc làm "chưa có tiền lệ" để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy cũng như trong cộng đồng.
Hơn 500 doanh nghiệp sàng hoạt động ngay
Ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức họp khẩn và ra văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đồng thời huy động 100% cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24 để hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
“Đến ngày 2/6 có hơn 500 doanh nghiệp hoàn thiện và gửi phương án, kế hoạch bố trí cho người lao động ăn, ở và làm việc lại tại công ty chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh. Những ngày qua, mọi giao dịch với các doanh nghiệp đều được triển khai theo hình thức trực tuyến, nhằm giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn, khoảng cách theo quy định về phòng dịch”, ông Mai cho biết.
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng hết sức có thể để đảm bảo tối đa về cơ sở vật chất, đáp ứng cho nhu cầu ăn, nghỉ của người lao động.
“Ban Quản lý thành lập 40 đoàn đi kiểm tra, thẩm định những đơn vị nào đủ điều kiện an toàn phòng dịch, phòng chống cháy nổ, ăn ở đảm bảo cho công nhân mới được phép hoạt động trong khu công nghiệp...", ông Mai thông tin.
Khu công nghiệp Quế Võ có trên 70 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã có 13 doanh nghiệp có công nhân mắc COVID-19. Với chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch, đa số các doanh nghiệp đều nhất trí và nhanh chóng triển khai các điều kiện để đảm bảo cho công nhân có chỗ ăn, nghỉ ngay tại nhà máy, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Tại Công ty Goertek, doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị và linh kiện điện tử cho các tập đoàn lớn, lãnh đạo công ty cho biết, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động theo mô hình “vừa sản xuất, vừa lưu trú” (bố trí chỗ ở tạm cho công nhân trong khu vực nhà máy để phòng chống COVID-19). Công nhân phải có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc và cứ 3 ngày lại xét nghiệm 1 lần. Công nhân được hỗ trợ 150.000 đồng/ngày khi tham gia “vừa sản xuất, vừa lưu trú”.
Lãnh đạo Công ty Goertek cho biết, một số công nhân cho rằng, đây là mô hình tốt trong bối cảnh hiện nay, họ có thể tiết kiệm được tiền thuê nhà trọ, vừa có thêm thu nhập và phòng tránh lây nhiễm bệnh.
Tương tự, tại KCN VSIP Bắc Ninh có gần 90 doanh nghiệp đang hoạt động, sau khi có yêu cầu bố trí chỗ ăn, nghỉ tại chỗ cho công nhân. Đến 31/5 nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt xong thiết bị như giường tầng, điều hòa, quạt trần tại các khu nhà bố trí để làm chỗ ăn, nghỉ cho công nhân.
Đại diện Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam trong KCN VSIP chia sẻ, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, việc quyết định ăn, ở, làm việc tại nhà máy là hợp lý để dễ khoanh vùng và tránh lây lan ra cộng đồng.
Do thời gian chuẩn bị gấp rút, trong bối cảnh dịch bệnh vốn đã gặp nhiều khó khăn, song công ty cũng đã cố gắng sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho cán bộ công nhân viên để đảm bảo sinh hoạt và làm việc.
"Ngoài ra, công ty có hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày và miễn phí 3 bữa ăn/ngày, cấp một số đồ dùng cá nhân. Nhiều công nhân dù có con nhỏ, song để cùng chung tay với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, đã cố gắng thu xếp mọi việc trong gia đình một cách tốt nhất để yên tâm làm việc", đại diện công ty cho biết.
Địa phương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Vương Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh rất chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh. Để đạt được 2 mục tiêu: vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, việc doanh nghiệp phải giảm 50% công xuất, cho công nhân ăn nghỉ tại nhà máy là việc làm cần thiết trong lúc này.
“UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân làm việc trong các nhà máy”, ông Tuấn nói.
Đối với các cơ sở sản xuất không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra về phòng, chống dịch, nhất là không bố trí người lao động ở lại nhà máy, cơ quan chức năng đánh giá tình hình thực tế tham mưu, đề xuất tạm dừng hoạt động theo quy định.
Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã giao Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ làm đầu mối phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp…nhằm tiếp nhận thông tin đăng ký sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thông báo cho các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tổ chức xem xét, kiểm tra kế hoạch triển khai của các doanh nghiệp.
Đồng thời, Ban quản lý các KCN tỉnh làm đầu mối tiếp nhận, chấp thuận nhu cầu của doanh nghiệp về việc đăng ký xe đưa đón công nhân, chuyên gia người nước ngoài; xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, phương tiện chở nhu yếu phẩm và các phương tiện dịch vụ phụ phụ trợ liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy chế tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cơ sở lưu trú tập trung...
“Chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp bố trí người lao động ở lại trong các nhà máy, doanh nghiệp; hoặc đi và về hàng ngày giữa khu lưu trú tập trung, ký túc xá, khách sạn, nhà nghỉ, các nơi trưng dụng làm chỗ ở tạm như trường học, hội trường... và nhà máy, doanh nghiệp để làm việc nhằm bảo bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Góp phần giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khoanh vùng, điều tra truy vết nhanh hiệu quả và dập dịch, không để dịch lây lan vào doanh nghiệp cũng như góp phần duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn khẳng định./.