Không gian phòng truyền thống trường Trung học Cơ sở Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) dịp này trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được làm từ những hạt gạo, hạt bí, hạt ngô. Mỗi tác phẩm đều có nội dung, đường nét và tinh thần riêng, nhưng tựu chung chứa đựng trong đó là tình cảm và sự biết ơn của học sinh với giáo viên.
Tráng A Chu, học sinh lớp 6B cho biết, toàn bộ nguyên liệu làm bức tranh đều là hạt gạo đã được rang; sau đó kết dính với nhau bằng bột nếp và đem phơi khô. A Chu cùng các bạn thực hiện ý tưởng trên trong một tháng. Lớp muốn dành tặng những bức tranh này cho thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. "Chúng em muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đã dạy dỗ và chăm sóc chúng em", A Chu nói.
"Cô giáo dạy chúng em hạt gạo là hạt ngọc trời. Hạt gạo Mường Khương cũng được coi là sản vật. Trong hạt gạo này có mồ hôi, công sức của cha mẹ, tinh túy của núi rừng. Vì thế chúng em sử dụng những hạt ngô, hạt gạo làm tranh tặng thầy cô", nam sinh nói thêm.
Để làm bức tranh, thành viên của lớp 6B là Vàng A Lầu cho biết, một bạn sẽ phác thảo bằng bút chì. Sau đó cả lớp sẽ sử dụng những hạt gạo, ngô, bí, đậu…để đính lên bức tranh bằng bột nếp.
Nhóm học sinh sử dụng màu sắc tự nhiên, như màu đen sẽ sử dụng hạt gạo rang bị cháy, màu nâu sử dụng gạo rang cháy vừa tới. Sau khi gạo rang nguội sẽ sử dụng bột nếp để đính lại.
Sự công phu thể hiện ở chỗ, nhóm trẻ sử dụng cây nhíp nhỏ đính từng hạt gạo, ngô, đậu lên phông tranh được làm bằng giấy và có trát qua một lớp bột nếp hoặc hồ dán.
Mỗi bức tranh thành phẩm có hàng trăm, hàng nghìn hạt gạo, ngô, đậu…Học sinh cứ nhẩn nha xếp từng hạt gạo nhỏ. Đó là cách thể hiện tình cảm và lòng biết ơn chân thành của học sinh nơi đây đến giáo viên.
“Học sinh vùng cao là vậy. Các em không có điều kiện mua những món quà đắt tiền nên cách thể hiện tình cảm rất tự nhiên và giản dị. Đôi khi chỉ khóm hoa rừng, bông cúc dại cũng đáng quý. Với giáo viên ở đây chỉ cần nhìn học sinh tíu tít, trìu mến là lúc nào cũng cảm thấy ấm áp vô cùng”, cô giáo Hà Thị Hoa, giáo viên Ngữ văn cho hay.
Theo cô Trần Thu Hằng, hiệu trưởng nhà trường, học sinh giữ bí mật suốt một tháng qua cho đến khi thông báo tới giáo viên thì ai nấy đều bất ngờ. Với cô Hằng, chỉ một nhánh hoa rừng, cây măng, bức tranh cũng làm cô và giáo viên khác ấm lòng và thêm yêu nghề.
Trường Trung học Cơ sở Tả Ngài Chồ luôn chú trọng lồng ghép văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc để giúp các em không quên đi cội nguồn.
Thầy Nguyễn Văn Thành, hiệu phó nhà trường, dân tộc Nùng bày tỏ, bản thân trưởng thành từ mảnh đất Mường Khương. Nhờ giáo dục mà anh mới có cuộc sống hôm nay. Vì vậy, anh luôn ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học - Học tập là con đường tươi sáng nhất để thoát nghèo.
"Bên cạnh việc dạy các em tri thức, vốn sống, trường cũng muốn các em biết trân trọng và giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình; dạy các em uống nước thì phải nhớ nguồn”, thầy Thành nói.
Tại mỗi lớp học của trường luôn có một không gian trang trọng trưng bày những bộ quần áo truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, những chiếc khèn, món trang sức truyền thống… Đặc biệt, tất cả những món đồ này đều do học sinh thực hiện. Thông qua những hoạt động đó, nhà trường muốn nhắc nhở học sinh phải luôn ghi nhớ nguồn cội và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép các chương trình văn nghệ - hát, múa bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Đêm văn nghệ, những cô cậu học sinh xúng xính áo quần, trang sức; múa khèn, đánh trống thuần thục, hát những bài hát truyền thống của người dân tộc H’Mông, người Nùng, người Dao.
“Chúng tôi đi dạy không mong cầu các em phải thành đạt, kiếm được nhiều tiền hay thành ông nọ, bà kia. Chúng tôi chỉ mong các em có thể thay đổi được nhận thức, nếp sống xưa cũ. Các em thay đổi vì chính các em và cũng vì chính thế hệ sau này, vì tương lai của mảnh đất nơi đây”, một giáo viên nói./.