Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, để phòng chống COVID-19, nhiều địa phương đã cho học sinh tạm dừng đến trường và chuyển sang các hình thức dạy học trực tuyến.
Cả nhà trường và học sinh đều không gặp khó khăn khi dạy và học trực tuyến do đã có kinh nghiệm từ năm học trước. Tuy nhiên, do những khó khăn về hạ tầng công nghệ cộng với ý thức tự học của học sinh chưa tốt nên hiệu quả dạy và học chưa đạt được như kỳ vọng, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Từ 8h20', Trần Xuân Bách, học sinh lớp 4 của một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội đã ngồi ngay ngắn trước máy tính bảng để chờ tham gia lớp học trực tuyến miễn phí trên ứng dụng Zoom Cloud Meeting vào lúc 8h30' theo thông báo của cô giáo chủ nhiệm.
Mất gần 10 phút cô giáo mới ổn định được lớp học, thực hiện điểm danh, thông báo các quy định chung của lớp học, sau đó mới bắt đầu giảng bài. Trong hơn 2 giờ học, thỉnh thoảng Xuân Bách tranh thủ đọc truyện, vẽ vào vở, đôi lúc còn ngáp vì mệt mỏi. Qua camera của lớp học trực tuyến, nhiều học sinh cũng ngáp, nằm ra bàn vì phải ngồi học liên tục. Giáo viên vừa giảng bài vừa phải nhắc nhở học sinh chú ý đến bài giảng.
"Cháu thấy rất căng thẳng do phải học rất là lâu và khó. Học từ 8h30' đến 10h30'. Cháu tiếp thu bài học khó so với trên lớp. Trên lớp tiếp thu bài học rất nhanh, bây giờ học online nên tiếp thu bài học rất khó khăn...", em Xuân Bách nói.
Với em Nguyễn Thanh Yến, học sinh lớp 7, Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa, việc học trực tuyến hàng ngày đã trở nên quen thuộc nhưng cũng không tránh khỏi những thời điểm xao nhãng trong giờ học.
"Học online ở nhà qua zoom khiến việc tiếp thu kiến thức do cô giảng bài không bằng ở trên lớp. Ở nhà có thể cháu sẽ bị phân tán bởi những thứ xung quanh. Ở trường chỉ nghe cô giáo giảng trên lớp và ghi bài thôi, nhưng ở nhà thì thi thoảng lại đứng lên làm cái này, trong giờ có thể làm việc riêng. Trong giờ mình sẽ bị phân tán nên việc tiếp thu không được như ở trường và thi thoảng có một số lỗi như lỗi ở máy, lỗi mạng khiến thời gian giải quyết khá là lâu và nó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học", em Nguyễn Thanh Yến cho biết.
Qua camera của từng học sinh trong các lớp học trực tuyến, không khó để bắt gặp cảnh học sinh ngáp, ngủ gật, làm việc riêng trong giờ học. Giáo viên vừa phải giảng bài, vừa phải kiểm soát lớp nên dù thời gian học kéo dài nhưng cũng cũng khó đánh giá được chất lượng dạy và học. Còn các phụ huynh cũng khó có thể kiểm soát được việc học tập của con em mình.
Chị Lê Vân Anh ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân cho biết: Học online đến thời điểm này tôi cũng không rõ có thu được chất lượng tốt hay không. Bởi vì như nhà tôi có bạn bé lớp 2, các bạn ấy học vào ban ngày. Bố mẹ đi làm hết nên không có ai ở nhà để kiểm soát được việc học hành của các bạn ấy như thế nào. Ông bà ở nhà thì cũng không hiểu được về công nghệ để có thể hỗ trợ cho các bạn ấy. Trong thời gian học, bạn ấy đã biết tắt camera đi để mà có thể ngồi nghịch mà cô không nhìn thấy", chị Vân Anh bày tỏ.
Hiện nay, không phải trường phổ thông nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống dạy và học trực tuyến mà chủ yếu tổ chức lớp học miễn phí trên các ứng dụng. Khó khăn về cơ sở hạ tầng, hệ thống đường truyền và ý thức học tập của học sinh chưa tốt khiến việc học online ở nhiều trường chưa đạt được hiệu quả.
Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục nhận định, với học sinh tiểu học và trung học cơ sở thì hiệu quả của việc học online chỉ dao động ở mức từ 20% đến 60%.
"Với điều kiện của các con ngồi học tại nhà gặp rất nhiều những sự tác động ở khắp mọi nơi. Thêm nữa là các cô cũng rất khó khăn để có thể dạy các con. Khi máy móc của các con có những vấn đề trục trặc khiến việc học online rất khó để có thể đạt được hiệu quả. Trong khi đó, những vấn đề khác tác động đến các con như việc ngồi trên máy quá lâu có thể khiến các con có thể bị ảnh hưởng đến mắt rồi lại bị tác động vào não thì rõ ràng là chúng ta dường như đang lợi bất cập hại trong việc dạy học online", Tiến sỹ Vũ Thu Hương cho biết.
Trong thời điểm học sinh phải tạm dừng đến trường để phòng tránh Covid-19 thì việc dạy và học online qua mạng internet, dạy học từ xa qua truyền hình, bài giảng video đang là giải pháp hữu hiệu để học sinh không bị gián đoạn việc học tập. Tuy vậy, hiệu quả của hình thức học tập online như thế nào thì lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thiết bị công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các nhà trường và gia đình học sinh./.