Tại Hội thảo về các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các cơ sở bảo trợ xã hội vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, phối hợp kém, phục hồi chức năng tai nạn lao động khó hiệu quả.
Nhiều thách thức
Theo PGS, TS Khúc Xuyền, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Y học lao động Việt Nam, phục hồi chức năng (PHCN) rất có lợi cho người bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), nhất là những trường hợp bị TNLĐ làm giảm chức năng của các cơ quan vận động như chân, tay, cột sống… PHCN giúp nâng cao thể lực, giúp người lao động bị TNLĐ, BNN phục hồi các chức năng bị thương tổn, mất mát. Nhiều trường hợp bị TNLĐ, sau khi điều trị ổn định và được PHCN đúng quy trình chuyên môn đã phục hồi dần, vận động được gần như bình thường, tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm và hòa nhập cộng đồng.
Người lao động PVC- MS được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cá nhân (Ảnh: pvc-ms.vn/) |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác PHCN gặp nhiều thách thức. Theo ông Vũ Nam Bình, Phó Viện trưởng Viện Chỉnh hình phục hồi chức năng, những năm qua, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra nhiều nên các bệnh viện luôn quá tải, lĩnh vực chỉnh hình, phục hồi chức năng (PHCN) cho số tai nạn này ít được quan tâm.
Hơn nữa, để thực hiện PHCN tại các cơ sở này đòi hỏi kinh phí rất cao, trong khi đó đa số bệnh nhân là người nghèo, thu nhập thấp… nên họ không có điều kiện tham gia PHCN theo yêu cầu điều trị. Vì thế, không ít bệnh nhân bị tàn tật suốt đời.
Một trong những khó khăn nữa, theo ông Bình, do tính chất của ngành, các cơ sở bảo trợ xã hội chủ yếu phục vụ các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em… nên thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ sở này đều rất thấp so với mặt bằng. Đây chính là một trở ngại trong việc thu hút lực lượng cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân bị tai nạn nặng nhưng không được phục hồi hoàn chỉnh…
Vì thế, đa số bệnh nhân bị tai nạn chỉ được phẫu thuật để đảm bảo tính mạng, khi ổn định sức khỏe thì ra viện, hiếm khi được phục hồi chức năng, hoặc thời gian phục hồi chức năng ngắn không đáp ứng được yêu cầu…
Về khó khăn của ngành PHCN hiện nay, ông Khúc Xuyền đánh giá: Ngoài số người bị TNLĐ, BNN, nếu tính cả những đối tượng chính sách, tai nạn giao thông và người khuyết tật trong cả nước, số người có nhu cầu điều trị, PHCN lên đến hàng chục triệu người. “Đó là một con số quá lớn mà trong nhiều năm nữa các cơ sở điều dưỡng, chỉnh hình, PHCN mới kỳ vọng phục vụ được”- ông Xuyền nhấn mạnh.
Cần phối hợp liên Bộ để tăng hiệu quả điều trị
Số liệu công bố tại Hội thảo cho thấy, có trên 60 cơ sở và 92% các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và 35% số bệnh viện tuyến huyện thành lập khoa PHCN phục vụ các đối tượng chính sách, trong đó có người bị TNLĐ và BNN.
Tuy các cơ sở này đang tồn tại song song duy trì, phát triển thành 2 hệ thống là điều dưỡng - PHCN do Bộ Y tế quản lý và hệ thống mạng lưới chỉnh hình - PHCN do Bộ LĐTB&XH quản lý. Song, các chuyên gia đánh giá, do chưa có sự phối hợp tốt giữa các ngành với nhau nên thiếu sức mạnh tổng hợp. Do đó, kết quả PHCN của những cơ sở này còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao.
Trước thực tế này, PGS, TS Khúc Xuyền cho rằng, Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH cần ban hành văn bản hướng dẫn phối hợp hoạt động trong lĩnh vực PHCN cho người bị TNLĐ và BNN đối với các cơ sở điều dưỡng, chỉnh hình, PHCN thuộc 2 Bộ.