Thông thường khi bắt đầu mùa mưa lũ ở ĐBSCL mới xảy ra sạt lở nhiều. Tuy nhiên năm nay, đang vào thời điểm khô hạn nhưng tại nhiều địa phương trong vùng vẫn liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở. Tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, trong đó nhiều nhất vẫn là huyện Châu Thành, địa phương nằm cạnh sông Hậu.

hau_giang_1_oftb.jpgBà Trần Thị Bé - 73 tuổi  ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thẩn thờ bên căn nhà sau vụ sạt lở

Mười mấy năm qua, gia đình bà Trần Thị Bé, 73 tuổi, sống bình yên trong căn nhà tường cấp 4 được cất sát bên một con sông ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành. Cách đây vài ngày, vào một buổi sáng bà Bé vừa bước chân ra khỏi nhà thì đất ngay khu vực nhà bà ở lở ầm ầm kéo theo nhiều cây ăn trái lâu năm và một phần phía sau căn nhà bà xuống sông.  

“Tôi thấy nứt gạch mà tôi đâu biết gì đâu, tôi tắm rửa rồi đi phơi quần áo. Lên tới trên nghe dưới sụp ầm ầm. Hoảng hồn tôi chạy lại thì 2 cây mít bị nước đẩy, rồi 2 cây dừa nữa, thật hết hồn, hết vía”, bà Bé bàng hoàng kể lại.

Những năm gần đây, mỗi năm huyện Châu Thành xảy ra gần 20 vụ sạt lở làm thiệt hại nhiều tài sản, cây trái, hoa màu và làm mất đi phần lớn diện tích đất. Các vụ sạt lở thường xuất hiện nhiều trong mùa mưa lũ.

Điều đáng lo ngại là từ đầu năm đến nay, mặc dù giữa mùa khô hạn nhưng toàn huyện đã xảy ra 8 vụ sạt lở, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 6 vụ. Các điểm sạt lở này có chiều dài từ 12-30 m, rộng 2-10 m, sâu 1-3 m đã kéo gần 800 m2 đất cùng nhiều tài sản, cây ăn, trái hoa màu của người dân trong huyện xuống sông.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết: Do có vị trí nằm cặp sông Hậu nên Châu Thành chịu ảnh hưởng lớn biên độ triều với 2 lần nước lên xuống mỗi ngày, cùng với dòng chảy mạnh nên hầu hết các tuyến kênh, rạch ở địa phương đều có nguy cơ sạt lở cao. Mặt khác, nhiều hộ dân trong huyện khi làm đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái đã cho xáng múc quá gần bờ tạo xoáy hàm ếch, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. 

“Đến thời điểm này cũng phải nói thẳng là chưa có giải pháp cụ thể, hiệu quả để ngăn chặn sạt lở, tuy nhiên, trong thời gian qua với sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện cũng đã vận động người dân trồng cây bần để hạn chế sạt lở, cũng như kè mé bỏ đá để giảm sạt lở đất trong thời gian tới”.

Một điểm ấp Phước Thuận, Thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã sạt lở đến lần thứ 3 với tổng chiều dài gần 100 m

Cũng theo ông Trần Quang Hành, thời gian gần đây địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn. Trong năm ngoái, địa phương đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang vận động được gần 20 hộ ra khỏi vùng sạt lở với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.

Rõ ràng tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy làm cho diễn biến sạt lở ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL ngày càng tăng và phức tạp. Do vậy, các cấp, các ngành và người dân trong khu vực cần chú trọng công tác phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu trong đời sống và sản xuất như một yêu cầu cấp bách hiện nay./.