Chiến tranh qua đi đã mấy mươi năm, nhưng hậu quả mà nó mang lại vẫn đang từng giờ từng phút hành hạ cơ thể của hàng triệu người Việt Nam. Trên 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang sống trong đớn đau cùng cực cần một tiếng nói của công lý, cần những hành động chia sẻ của lương tri nhân loại. Cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam là cuộc chiến không tiếng súng nhưng hết sức cam go, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ và sẻ chia đầy trách nhiệm của cả cộng đồng.

Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chỉ trong vòng 10 năm từ 1961 - 1971, đế quốc Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất độc các loại, trong đó có 44 triệu lít chất độc da cam, chứa gần 370 kg dioxin xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết hệ sinh thái từ núi cao đến ven biển làm cho môi trường ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái bị hủy diệt

Theo thống kê, đã có gần 5 triệu người bị phơi nhiễm, 3 triệu người trở thành nạn nhân, hàng trăm nghìn người đã chết, trong đó có nhiều trẻ em là nạn nhân da cam thế hệ thứ 2, thứ 3; Hàng nghìn phụ nữ Việt Nam mãi mãi không có được niềm hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ đúng nghĩa, hàng chục nghìn trẻ em sinh ra phải sống đời thực vật trong đớn đau tuyệt vọng.

Những nạn nhân của chất độc da cam đã sống trong đớn đau giày vò như thế suốt bao năm qua mà chưa một lần được những kẻ gây ra nó công khai thừa nhận trách nhiệm của mình. Ngày 30/1/2004 được coi là ngày trọng đại với nạn nhân da cam bởi đây là lần đầu tiên các nạn nhân đứng lên đòi công lý bằng việc gửi đơn tại Toà án sơ thẩm quận Brooklyn, bang NewYork, Hoa Kỳ để kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hoá chất độc hại cho quận đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Vụ kiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài nước. Đây cũng là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Tư pháp Mỹ, bởi nguyên đơn là người nước ngoài tiến hành tại Mỹ, theo luật Mỹ và do quan toà Mỹ xét xử, nên bước đầu đã gây được tiếng vang.

Thiếu tướng Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam - người đã nhiều năm theo đuổi vụ kiện, kể: “Đây là cuộc chiến không khác gì chiến tranh chống Mỹ trước đây. Đặc biệt là với Mỹ, họ có rất nhiều điều ngụy biện, mình cần phải chu đáo hơn mới có thể thắng lợi. Thứ hai là sự giúp đỡ của quốc tế với ta ngày càng mạnh mẽ, tạo thành một mặt trận thống nhất giúp đỡ cho các nạn nhân thực sự có kết quả. Thứ ba là những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, giờ đây họ có tinh thần chuộc lỗi, họ tiếp tục đồng hành với chúng ta”.

Cuộc đấu tranh đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Các nhà khoa học, luật gia của Mỹ, Anh, Pháp, Nam Phi... đã tự nguyện giúp đỡ Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam trong những lần ra nước ngoài vận động dư luận cho vụ kiện, tạo điều kiện cho một số nạn nhân  được phát biểu trước Quốc hội Anh, Quốc hội Mỹ, Thượng viện Pháp để nói rõ với thế giới về những hậu quả mà chất độc da cam đã gây ra cho các thế hệ người Việt Nam.

Chị Trần Thị Hoan, sinh viên Trường Đại học ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cô gái thông minh, giỏi ngoại ngữ nhưng thiếu đôi chân và một tay trái do di chứng bởi chất độc da cam kể lại câu chuyện mình đã nói trước Quốc hội Mỹ năm 2010: “Xúc động nhất là phần nói lên mong muốn của các nạn nhân da cam/dioxin. Những em bị bại não nằm trên giường phải nhờ đến các cô, còn những người bạn đi học đại học bị khuyết tật phải viết bằng chân thì cần phải có những chiếc bàn riêng. Những mặc cảm khi các em đến trường.  Đó là những gì em đã trải qua, cũng như những gì các bạn em sống ở làng Hòa Bình đã phải chịu đựng”.

Hoan muốn nói để các nghị sỹ Mỹ hiểu nỗi đau đớn của mình và bạn bè cùng cảnh ngộ đang bị bệnh tật giày vò, hay cảm giác hẫng hụt sau mỗi buổi học, căn phòng của mình thêm một chiếc giường vắng chủ. Câu chuyện đời của Hoan và những đưa trẻ bị di chứng chất độc da cam trong Làng Hòa Bình đã gây xúc động mạnh mẽ với nhiều nghị sĩ Mỹ, nhiều người đã đồng cảm và chia sẻ, tích cực tham gia giúp đỡ nạn nhân da cam Việt Nam. 

Tuy nhiên qua 3 cấp, Toà án Tối cao Mỹ đã từ chối thụ lý vụ kiện. Thái độ thiên vị, không tôn trọng công lý của giới chức Mỹ đã gây ra sự bất bình trong dư luận Mỹ và quốc tế. Dẫu vậy, các luật sư đại diện cho nguyên đơn cho rằng: vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam cũng đã giành thắng lợi quan trọng về mặt xã hội và nhân văn. Thế giới đã hiểu hơn về người Việt Nam, bản chất của cuộc chiến tranh, âm mưu tiến hành chiến tranh hoá học bằng luận điệu “dùng chất diệt cỏ để khai quang” của người Mỹ trước đây đã bị vạch trần.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, người đã đưa Trần Thị Hoan sang điều trần trước Quốc hội Mỹ cho biết:

“Hiện thái độ của họ đã có một số chuyển biến tích cực. Họ đã nhìn nhận rằng ở Việt Nam có nạn nhân chất độc da cam và ảnh hưởng của chất độc mà họ đã rải ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh là có thực. Có một bước tiến mới là Hạ viện Hoa Kỳ chấp nhận mời nạn nhân đến để điều trần. Chúng tôi nói về những nhu cầu bức thiết của nạn nhân hiện nay ở Việt Nam và yêu cầu Mỹ phải bồi thường và cung cấp nguồn lực để cho chúng ta tẩy sạch môi trường ở 28 điểm nóng”.

Cuộc chiến tranh hóa học mà đế quốc Mỹ đã gây ra tại miền Nam Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Chất độc da cam không chỉ gây thảm họa kinh hoàng cho đất nước và con người Việt Nam mà còn để lại bao nỗi đau đớn không nguôi cho những cựu chiến binh Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… Những người đã từng tham chiến ở Việt Nam, cũng như con cháu của họ cũng chịu nhiều di tật bẩm sinh, hình hài dị dạng, phải sống trong tâm trạng tuyệt vọng. Cuộc đấu tranh đi tìm công lý cho nạn nhân da cam/dioxin vẫn phải kiên trì trong một thời gian dài. Trên hành trình đòi công lý ấy, luôn có hàng triệu tấm lòng, hàng triệu con tim dõi theo và sẵn sàng cống hiến công sức, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam./.