Hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đô thị, tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2019, Hà Nội đưa ra một số giải pháp ưu tiên tổ chức giao thông kết nối các phương tiện vận tải hành khách công cộng với đường sắt đô thị, trong đó xe buýt được coi là phương tiện đóng vai trò chủ lực.

nha_ga_vov_fngi.jpg
Tuyến đường Nguyễn Trãi sẽ tổ chức giao thông dành làn riêng cho xe buýt phục vụ hành khách đi đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km với 12 ga, mỗi ga sẽ có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để hành khách thuận tiện tiếp cận với các ga đường sắt này, trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến. Trong đó, bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m.

Cụ thể, vị trí nhà ga Cát Linh đoạn nút giao ngã năm Cát Linh - Hào Nam - Giảng Võ - Giang Văn Minh. Ga Cát Linh có quy mô lớn nhất trong số các nhà ga toàn tuyến, được thiết kế, bố trí hướng tới nhiều tiện ích phục vụ khách như: Các kiốt và cửa hàng tiện ích, quầy ATM... Khởi hành từ nhà ga này, hành khách có thể kết nối với tuyến đường sắt số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), BRT số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt số 18, 22, 23.

Ga La Thành có vị trí trên cao gần ngã tư La Thành - Hào Nam, từ đây hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 50, 99, 23, 30. Ga Thái Hà đặt trên phố Hoàng Cầu mới, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 26, 30, 50, 18, 35A, 84. Ga Láng nằm sát bờ sông Tô Lịch, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến buýt số 09B, 16, 24, 27. Ga Thượng Đình ở gần đoạn giao cắt Khương Đình - Nguyễn Trãi, hành khách có thể di chuyển với tuyến xe buýt số 02, 19, 01, 27. Ga vành đai 3 nằm ở hầm chui Thanh Xuân, tại đây có nhiều tuyến xe buýt kết nối là 27, 29, 01, 02, 05, 19, 21B, 21A trên đường Nguyễn Trãi và tuyến số 22C, 29 tại hầm đường bộ Nguyễn Xiển. Ga Phùng Khoang nằm ở đoạn giao giữa phố Nguyễn Trãi và Phùng Khoang, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 39, 27, 02, 19, 01. Ga Văn Quán nằm ở bến xe Hà Đông cũ, có vị trí thuận tiện giúp hành khách kết nối với các tuyến buýt, xe khách tại bến xe Hà Đông. Ga Hà Đông nằm gần Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 89, 01, 02, 27, 33. Ga La Khê gần nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung, từ đây hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 01, 02, 21A, 27. Ga Văn Khê nằm giữa phố Quang Trung và đường Ba La, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 91, 01, 02, 21A, 27. Ga Yên Nghĩa là ga cuối của tuyến, nằm ngay trước bến xe Yên Nghĩa trên đường Quang Trung, Hà Đông, giúp hành khách kết nối với các tuyến xe buýt nội đô cũng như các xe khách liên tỉnh đi Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa...

Theo dự báo, có khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân đi đường sắt đô thị nên với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối thì năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải khách công cộng tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở) tăng từ 3 - 4 lần so với hiện nay, đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. Người dân sẽ có xu hướng chọn xe buýt để trung chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị do có chi phí đi lại thấp, tiết kiệm thời gian do không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông...

Theo hành trình của tuyến đường sắt đô thị số 2A, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga đường sắt đô thị. Tại ga Bến xe Yên Nghĩa sẽ mở thêm cổng cho người đi bộ kết nối trực tiếp nhà ga với quảng trường dành cho xe buýt của bến xe Yên Nghĩa để giảm thời gian đi bộ của hành khách trung chuyển giữa đường sắt đô thị và xe buýt. Ngoài ra, các tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị được dán thêm ký hiệu chỉ dẫn là tuyến đi đến các ga đường sắt trên cao để nhân dân tiện sử dụng.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt. Mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến xe buýt tới các khu vực ngoại thành,  khu đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí…. Dự kiến số lượng tuyến buýt mở mới trong năm 2019 khoảng 20 tuyến, năm 2020 tiếp tục mở mới từ 20 - 25 tuyến.

Thành phố cũng có kế hoạch dành làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính, gồm có: Nguyễn Trãi - Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông); tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm..../.