Cuộc sống nơi “chôn nhau cắt rốn” nhiều khó khăn, công nhân các tỉnh tìm đến Bình Dương mưu sinh. Tết đến họ lại háo hức chờ đợi ngày được sum vầy bên gia đình. Thế nhưng, vì hoàn cảnh và dịch bệnh Covid-19, năm nay, hàng trăm ngàn công nhân phải ở lại Bình Dương đón Tết. Xa quê trong dịp Tết đến xuân về khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng nhưng với sự quan tâm, chia sẻ của công ty, công đoàn, chính quyền đã giúp họ cảm thấy ấm lòng.

Lỡ hẹn với quê hương

Sau 10 năm ăn Tết xa quê, năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Yên, công nhân Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dự định về Bắc Giang đón Tết. Để có kinh phí cho cả 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ về quê, gia đình chị đã tằn tiện, tiết kiệm suốt một năm. Thế nhưng, cuối cùng vì dịch bệnh đành một lần nữa lỗi hẹn với quê hương. Chị Yên tâm sự: Thấy vợ buồn, chồng mua vé cho chị về quê, nhưng chị không nỡ để 3 bố con ở lại ăn Tết.

“Tôi là người xa xứ, tất cả anh em ở ngoài Bắc, ruột thịt không có một ai trong này. Tết về thấy nhớ bố mẹ lắm! Thấy người ta mang ba lô lên xe về tôi muốn về luôn nhưng nghĩ lại mình về chồng và con buồn nên ở lại”, chị Yên nói.

Vào Bình Dương lập nghiệp 6 năm qua cũng là quãng thời gian vợ chồng chị Đặng Thị Toa, công nhân Công ty TNHH giày Thông Dụng (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) chưa một lần về đón Tết tại quê nhà Bình Định. Tuy quãng đường Bình Dương-Bình Định không quá xa nhưng vì hoàn cảnh còn nhiều khó khăn phải nuôi 3 con nhỏ nên nhiều năm chị đón Tết nơi xứ người. Chị Toa dự tính năm nay sẽ về quê, nhưng đành ở lại để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

“Mong muốn hết dịch để bà con sống trong bình an. Mong Bình Dương kinh tế phát triển để cho nhiều người có việc làm có thu nhập ổn định và quan tâm công nhân nhiều hơn nữa”, chị Toa chia sẻ.

Tết vui, an toàn

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện Bình Dương có hơn 500.000 công nhân ở lại đón Tết. Để công nhân xa quê vơi nỗi nhớ nhà và có thêm thu nhập trong những ngày Tết, nhiều công ty ở Bình Dương đã chủ động chăm lo cho “vốn quý” bằng việc thăm, tặng quà và bố trí việc làm.

Đơn cử, như Công ty TNHH Polytex Far Eastern (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), khi thông tin về dịch Covid-19 bùng phát, công ty khuyến khích công nhân “thật sự cần thiết thì mới về quê” nhằm hạn chế thấp nhất việc di chuyển, góp sức cùng cả nước chống dịch. Cũng vì lẽ đó, Tết năm nay công ty có gần 1.000 công nhân ở lại làm việc trong Tết, chiếm gần một nửa trong tổng số 2.200 công nhân.

Ông Vương Vạn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Bộ quản lý nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern cho biết, trong những ngày Tết, công ty xây dựng khẩu phần ăn của công nhân đậm hương vị Tết, đồng thời hỗ trợ để họ yên tâm ở lại.

“Người lao động làm việc xuyên Tết sẽ có hỗ trợ về lương theo quy định là nhân 3 lần. Nhà máy sẽ có những trợ cấp riêng, lì xì chúc Tết cho người lao động và nhắc nhở phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian lao động làm việc xuyên Tết sẽ được theo dõi sức khỏe, ra vào được kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đo khẩu trang, thiết bị y tế cho người lao động”, ông Nghĩa cho hay.

Năm nay, số lượng công nhân ở lại Bình Dương đón Tết vượt xa so với dự tính đã gây áp lực không nhỏ cho địa phương. Trước khó khăn đó, chính quyền và các cấp ngành Bình Dương đã chủ động tháo gỡ bằng nhiều cách để tất cả công nhân đều có Tết.

Ngoài 15.000 phần quà Tết cho công nhân khó khăn từ ngân sách địa phương, Liên đoàn lao động tỉnh đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để tặng quà cho những người ở lại. Công đoàn Bình Dương cũng hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi công nhân được tặng vé xe trong chương trình “Chuyến xe Xuân nghĩa tình” nhưng do dịch bệnh địa phương đã không tổ chức.

Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, năm nay, Bình Dương không xây dựng những “bữa ăn” tinh thần cho công nhân nhưng bù lại có rất nhiều phần quà để người ở lại đón cái Tết ấm áp, đầy đủ.

“Chúng tôi dành nguồn ngân sách, cũng như vận động các mạnh thường quân thăm và tặng quà để kịp thời động viên, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và tổ chức công đoàn để tri ân, ghi nhận sự đóng góp của đoàn viên, công nhân lao động trong một năm 2020 đầy vất vả, đầy trách nhiệm. Qua đó cũng thể hiện mối quan tâm của tổ chức công đoàn, tạo cho công đoàn là tổ ấm là chỗ dựa của đoàn viên, công nhân lao động”, ông Khánh cho biết thêm.

Cũng từ các hoạt động chăm lo đã giúp người lao động đón một cái Tết tại Bình Dương ấm áp, nghĩa tình. Qua đó vừa giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt hơn, vừa đảm bảo nguồn lao động ổn định cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất sau Tết Nguyên đán./.