UBND tỉnh Đắc Nông đang đề nghị Chính phủ chuyển Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia và đề cử là Vườn di sản ASEAN. Tuy nhiên, trong vùng lõi Khu bảo tồn này hiện có 42 hộ, với hàng trăm nhân khẩu đang sinh sống, canh tác nương rẫy, tác động đến hệ sinh thái.

vov_ta_dung_srgs.jpg
42 hộ dân vẫn sống trong vùng lõi Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng.

Nằm lọt thõm giữa Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng rộng lớn là 2 khu dân cư, với hàng trăm nhân khẩu đang sinh sống. Đây là những hộ dân thuộc Khu tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3 (ở xã Đăk Plao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông), do không được bố trí đất sản xuất nên đã “nhảy dù” vào khu bảo tồn khai hoang, lập làng.

Mùa mưa này, bà con đang tập trung gieo trồng các loại cây ngắn ngày và cây ăn quả lâu năm như bơ, sầu riêng.

Ông Vương Văn Khì từ khu tái định cư vào đây cho biết: “Ở nơi tái định cư trước đây hứa với dân chúng tôi là 2 ha đất, 3 sào ruộng, cuối cùng chỉ cấp cho 4 sào; mà 4 sào đó hộ có hộ không, cho nên người dân rất khó sống”.

Cuộc sống ở đây rất tạm bợ, vì không có các điều kiện thiết yếu; đường sá đi lại khó khăn, không có công trình nước sạch, trường học và trạm y tế cách xa hơn 20km, nhưng bà con vẫn bám trụ vì đất sản xuất.

Theo thống kê của Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng, 42 hộ dân này đã lấn chiếm 60 ha đất rừng để canh tác cây ngắn ngày và trồng cây lâu năm.

Ông Trần Quốc Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 lo lắng về công tác giữ rừng và bảo tồn thiên nhiên, khi dân số ở đây tiếp tục tăng lên. “Thực tế hiện tại bà con ở đây được tuyên truyền về công tác giữ rừng, bà con có ý thức.

Nhưng mà về lâu dài, số bà con ở đây sẽ nảy sinh những hộ trong gia đình tách ra thì công tác bảo tồn và giữ rừng rất là khó”.

Mới đây, UBND tỉnh Đắc Nông đã đề nghị Chính phủ cho phép chuyển Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia đồng thời đề cử là Vườn di sản ASEAN. Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phải di dời 42 hộ ra khỏi vùng lõi Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng.

Ông Lê Quang Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk G’long nói: “Việc đáp ứng nhu cầu của các hộ dân tại khu tái định canh định cư cũng chưa tốt.

Vì vậy, trong thời gian quan vẫn còn 42 hộ dân sinh sống tại khu bảo tồn Tà Đùng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đang tiến hành tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện”.

Tuyên truyền, vận động không phải là biện pháp hữu hiệu, nếu vấn đề cốt lõi là đất sản xuất cho bà con vẫn không được giải quyết.

Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng muốn trở thành Vườn quốc gia hay là Vườn di sản ASEAN,  trước hết chính quyền và ngành chức năng tỉnh Đăk Nông phải đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân ở Khu tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3./.