Hiện nay, nhu cầu đi lại của nhân dân là hết sức cấp thiết. Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 1740 về Hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên cả 05 lĩnh vực trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của Bộ Y tế và ý kiến tham gia của các địa phương.

Hôm nay, hàng không chính thức khôi phục nhiều đường bay đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn chưa có lịch khôi phục lại các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Cục Đường sắt vẫn chưa nhận được văn bản của các địa phương về kế hoạch dự kiến vận tải hành khách bằng đường sắt.

Nơi mong mở từng ngày, nơi “lừng khừng” chưa quyết

Ngày 1/10, Cục ĐSVN phối hợp với Tổng công ty ĐSVN đã xây dựng kế hoạch và gửi xin ý kiến 24 tỉnh/thành phố về kế hoạch tậm thời về tổ chức hoạt động vận tải bằng đường sắt.

Theo đó dự kiến giai đoạn 1 sẽ tổ chức lại 02 tuyến như sau: Tuyến số 1 trên hệ thống đường sắt Thống Nhất: mỗi ngày tổ chức chạy 01 đôi tàu, đón tiễn khách tại 39 ga.

Tuyến số 2: Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng: Mỗi ngày chạy 01 đôi tàu và tổ chức đón tiễn tại 08 ga.

Tuy nhiên, theo Cục Đường sắt, đến 8/10, có 03 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng và Quảng Trị và Phú Yên nhất trí với Dự thảo Kế hoạch; UBND thành phố Hà Nội chưa đồng ý với Dự thảo kế hoạch.

“UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định quan điểm dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và đề nghị các bước chuẩn bị điều kiện cần thiết trước khi hoạt động trở lại”, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.

Đến nay còn 21 tỉnh/thành chưa có ý kiến: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Đào Việt Long Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hà Nội: Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, theo nguyên tắc “đóng trước, mở sau” nên quan điểm phục hồi thì phải hết sức thận trọng và có phương án, giải pháp và lộ trình rất cụ thể. 

“Thành phố Hà Nội thống nhất mở 02 đường bay (Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng) với tần suất 01 chuyến khứ hồi/01 ngày trong 10 ngày đầu từ 10/10. Còn Đường sắt vẫn đề nghị tạm dừng để tăng độ tiêm phủ vaccine cho dân”, ông Long nói.

Cùng quan điểm với Hà Nội, lãnh đạo Hải Phòng và Hải Dương cũng cho rằng cần lùi thời gian thực hiện kế hoạch để tiêm phủ vaccine. Mặt khác, Hà Nội mở lại thì người dân trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng mới đi lại được bằng tàu.

Theo Ông Hoàng Triệu Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hải Phòng: "Hải Phòng thì chỉ có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng sẽ chờ Hà Nội, khi Hà Nội sẵn sàng mở thì Hải Phòng mới mở được. Nếu tổ chức khai thác, trước mắt Hải Phòng sẽ cách ly tập trung những hành khách về từ "vùng đỏ", các vùng mức độ dịch khác có thể xem xét cách ly, theo dõi tại nhà".

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nhiều tỉnh như TP.HCM, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình...thống nhất mở lại vận tải hành khách đường sắt sớm nhất.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh: Hiện nay rất cần thiết phải nối lại các tuyến vận tải Đường sắt để phục vụ đưa người dân về quê và đón người dân có nhu cầu quay lại khu vực miền Nam để lao động.

“Thành phố HCM đề nghị nối các chuyến tàu đi, đến TPHCM càng sớm càng tốt, và sẽ sớm tham mưu ý kiến chính thức của thành phố”, ông Lâm nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: "Đồng Nai nhất trí với Kế hoạch của Cục ĐSVN, tuy nhiên Đồng Nai chỉ băn khoăn là người xuống các ga trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì không đi đến các địa phương khác được".

Đa số ý kiến phát biểu của lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh thành phố khác đều bày tỏ ý kiến đồng ý việc cần thiết mở lại các tuyến đường sắt tuy nhiên cần phải làm rõ đối tượng, số lượng hành khách, cách thức triển khai để địa phương chuẩn bị nhân lực,  nguồn lực về cách ly, điều trị và đa số đều kiến nghị áp dụng như đối với hành khách của hàng không. Riêng Thừa Thiên Huế và Nam Định kiến nghị sẽ có ý kiến sau ngày 15/10.

Điều kiện đối với hành khách đi tàu phải “mở”

Về điều kiện khách đi tàu, đại diện nhiều địa phương đề nghị phải quy định chặt chẽ như đối với hành khách đi máy bay.

Cụ thể, khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và mũi cuối đã qua 14 ngày, hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 tiếng;

Phải khai báo y tế đầy đủ, có cam kết (theo mẫu biểu) về thực hiện các quy định phòng dịch; Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày hoặc quy định y tế bắt buộc của địa phương nơi đến.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không phù hợp với đối tượng khách đi tàu vì đây chủ yếu là người có thu nhập thấp. Mặt khác, người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê đa số chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh, hiện nay rất cần thiết mở lại tàu khách đưa người dân về quê và đón người dân có nhu cầu quay lại khu vực miền Nam để lao động.

“Thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa đón người dân di chuyển đi, đến các nhà ga trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên cần phải xem xét điều kiện y tế đối với hành khách, nếu đưa ra tiêu chí như với hàng không thì rất khó", ông Lâm nói.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh, đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện và các điều kiện về phòng dịch theo quy định. Tuy nhiên, để chạy lại cũng cần phải có thời gian truyền thông, bán vé.

“Chúng tôi xác định thời điểm này có chạy lại tàu cũng phục vụ an sinh là chủ yếu, chứ không tính đến lãi. Ngay cả chấp nhận chạy tàu theo kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là ga đón khách, ga không thì người đi tàu cũng phải tương đối. Chúng tôi chấp nhận lỗ, nhưng không thể lỗ quá”, ông Mạnh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đề nghị việc mở lại tàu khách trên các tuyến cần phải được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện đưa người dân về quê, không để tự phát.

Quan trọng là phải có cơ chế phối hợp rất chặt chẽ từ xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện và giám sát giữa ngành Đường sắt, các địa phương. Trong đó, phải xem xét các yếu tố nhu cầu đi lại, phân khúc hành khách và cả lợi thế của tàu là có nhiều toa để phân chia, bố trí các đối tượng hành khách riêng biệt.

“Đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước 13/10/2021, trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách... Đồng thời có ý kiến cụ thể về cơ chế phối hợp thế nào giữa các địa phương, đường sắt và thống nhất các quy định, nhất là về giấy tờ, biểu mẫu để không quá phức tạp, dễ triển khai”, Thứ trưởng đề nghị.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam điều chỉnh lại kế hoạch sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các địa phương và báo cáo Bộ GTVT, trong đó nêu rõ các lộ trình triển khai. Vụ Vận tải có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các điều kiện đối với hành khách đi tàu.

"Phải hoàn thành dự thảo kế hoạch khoảng 15/10/2021 để báo cáo Chính phủ", ông  Đông yêu cầu./.