Hôm nay (23/12), trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi lặng gió, tàu thuyền từ đất liền đã có thể ra vào đảo Lý Sơn. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huyện đảo Lý Sơn tập kết lương thực thực phẩm đề phòng thời tiết xấu  trong những ngày tới.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện các tàu đánh cá đã vào tránh bão nơi an toàn.

anh_ve_tinh_cstf.jpg
Đường đi của cơn bão Tembin, ảnh chụp từ vệ tinh

** Chiều nay, khu vực quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu có gió mạnh.

Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thực hiện nghiêm túc việc sẵn sàng ứng phó với bão Tembin.

Các đảo đã bắn pháo hiệu, kêu gọi tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt trên biển khẩn trương vào nơi trú tránh.

Đại tá Bùi Hải Phước, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4, Hải quân cho biết: “Quân và dân trên đảo đã làm tốt công tác phòng chống, đối phó với bão. Tổ chức di dời những người trên tàu thuyền vào tránh trú lên ở các nhà kiên cố trên đảo, bảo đảm an toàn tính mạng”.

** Khánh Hòa: Bất chấp biển cấm, nhiều người vẫn tắm biển

Chiều nay, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện việc cấm biển, không cho tàu thuyền xuất bến. Tuy nhiên, rất nhiều tàu, thuyền vẫn đưa khách du lịch đi tham quan các đảo trong vịnh Nha Trang.

Hôm nay, Ban Quản lý vịnh Nha Trang yêu cầu tất cả tàu, thuyền không đưa khách đi lại trên biển.

Đến 14h, hầu hết tàu thuyền đã trở về bờ. Ban Quản lý vịnh Nha Trang cũng đã cắm biển cấm tắm biển tại các bãi tắm, duy trì ứng trực 100% lực lượng cứu nạn. Tuy vậy, một số người dân địa phương vẫn chủ quan, bất chấp cảnh báo, rủ nhau xuống tắm biển.

Một số người đã bị sóng cuốn ra xa, may mắn được lực lượng cứu hộ tiếp cận ứng cứu kịp thời.

Đồng Nai: Tập trung ứng phó với bão Tembin

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đã họp đột xuất với các địa phương và sở ngành liên quan về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 16 - bão Tembin.

Cuộc họp về bão
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các huyện, thị xã Long Khánh, TP.Biên Hòa phải triển khai các phương án ứng phó ngay trong ngày 23/12.

Thành viên ban chỉ đạo ở các cấp phải phân công người chịu trách nhiệm, túc trực xuyên suốt 24/24h; theo dõi diễn biến của cơn bão không được phép chủ quan lơ là.

Tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương trong tỉnh bằng mọi biện pháp cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân về nơi tránh bão, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền công tác phòng, chống bão ở các huyện vùng có địa hình trũng thấp như Long Thành, Nhơn Trạch, vùng núi cao có nguy cơ sạt lở đất như Tân Phú, Định Quán và hạ nguồn các sông, suối trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi rà soát lại các khu vực trọng điểm, tập trung cho công tác tuyên truyền cảnh báo làm sao để mọi người dân đều nắm được thông tin, diễn biến của bão. Các lực lượng làm thế nào để đảm bảo đáp ứng yêu cầu; rà soát lại các vùng trũng thấp, ven sông suối để có phương án di dời những người ở vùng trũng, vùng nguy cơ đến nơi an toàn khi có xảy ra thiên tai.

Bình Thuận sẽ di dời hơn 35.000 người

Trước hướng đi phức tạp và diễn biến khó lường của cơn bão số 16, chiều nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với các sở ngành và các địa phương trong tỉnh bàn công tác ứng phó.

Các khu vực bò biển bị sạt lở và sập nhà do triều cường trong những ngày qua cũng đáng báo động.
Qua rà soát, UBND tỉnh Bình Thuận nhận định nếu bão đổ bộ vào, toàn tỉnh sẽ có 35 điểm dân cư với hơn 35.000 người phải di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn. Nhiều nhất là ở địa bàn Phan Thiết với 10 điểm, Tuy Phong 9 điểm, La Gi 6 điểm, Hàm Tân 3 điểm và Phú Quý 3 điểm...

Các khu vực bò biển bị sạt lở và sập nhà do triều cường trong những ngày qua cũng đáng báo động. Hiện nay các địa phương đã cho gia cố lại kè tạm phòng tránh nguy hiểm khi bão số 16 vào đất liền.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết địa phương có tất cả 60 nhà bè với hơn 1.325 lồng nuôi thủy sản trên biển.

Chính quyền địa phương đã thông báo cho các chủ bè biết thông tin của bão số 16 để gia cố, chằng buộc an toàn, có thể thu hoạch sớm hoặc vớt lên đưa vào bờ nhốt tạm để tránh bão.

Chính quyền địa phương phải cương quyết không cho bất cứ người nào ở lại trên các nhà bè nuôi cá, tránh trường hợp bão vào gây thiệt hại về tính mạng.

Từ 16h chiều nay, tỉnh Bình Thuận cũng đã ra lệnh cấm biển. Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 tàu thuyền đã vào neo đậu tại các bến, lại còn 252 chiếc với hơn 1.870 lao động đang hoạt động trên biển.

ĐBSCLchuẩn bị phương án di dời dân

Tính đến chiều nay, bên cạnh việc kêu gọi hàng nghìn tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão, các địa phương ven biển ĐBSCL đã chuẩn bị nhiều phương án, sẵn sàng di dời dân, cũng như cho học sinh nghỉ học, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng trước khi bão số 16 đổ bộ vào đất liền.

Di rời tàu thuyền vào nơi tránh bão
Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã thống nhất cấm tàu thuyền ra khơi từ 8 giờ sáng nay để đề phòng diễn biến xấu của cơn bão 16 có tên quốc tế là Tembin; đồng thời, học sinh tỉnh Bến Tre cũng được thông báo nghỉ học trong ngày 25 – 26/12 đề phòng bão đổ bộ.

Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre nêu rõ, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

Tại tỉnh Trà Vinh, địa phương đã chính thức cấm tàu thuyền ra khơi sáng nay. Đồng thời cho đài phát thanh, truyền hình thông báo về diễn biến, cách phòng tránh bão và tổ chức cấp phát các tờ rơi hướng dẫn phòng, chống thiên tai để người dân chủ động ứng phó.

Lực lượng Biên phòng tỉnh đã liên lạc với gần 300 tàu đánh bắt xa bờ và hướng dẫn số tàu này di chuyển đến an toàn.

Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trà Vinh cho biết: “Bão vẫn còn xa nên trước mắt là các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi và đang theo dõi để vùng ảnh hưởng. Còn biên phòng trực tiếp liên hệ và hướng dẫn tọa độ để tàu thuyền biết, tránh hướng đi của bão và kiểm soát, yêu cầu tàu thuyền ra khỏi vùng đó".

Đến thời điểm này, các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã liên hệ thông báo được tất cả tàu thuyền của địa phương thông tin về bão Tembin.

Tính đến 15h chiều nay, đã có 167 tàu thuyền của tỉnh vào neo đậu tại Côn Đảo, 594 phương tiện đang neo đậu tại bến trong đất liền và 83 phương tiện đang trên đường vào bờ. Từ 16h chiều, tỉnh Sóc Trăng cấm các phương tiện rời bến ra khơi hoạt động đánh bắt.

** TP.HCM khẩn trương liên lạc với tàu thuyền

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM chủ động phối hợp, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 16.

Ngay sau khi nắm thông tin về chuyển biến của cơn bão số 16 và nhận chỉ đạo của UBND TPHCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Thành phố khẩn trương liên lạc với các phương tiện đánh bắt xa bờ và hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu, trú tránh tại các khu vực an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM cũng đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 3 đồn biên phòng ở 3 xã Long Hòa, Cần Thạnh và Thạnh An của huyện Cần Giờ. Đơn vị còn phối hợp với chính quyền các địa phương trong công tác thông tin những diễn biến mới nhất của cơn bão đến người dân.

Tại các khu vực lồng bè cá ở những nơi nguy hiểm, lực lượng bộ đội biên phòng thành phố cùng địa phương đã đến tuyên truyền, vận động người dân phối hợp trong công tác di dời và kết nối thông tin để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra trong bão.

Bộ đội biên phòng thành phố hiện đang bố trí 100% lực lượng quân số, phương tiện, đặc biệt là phương tiện thủy để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra nếu bão đổ bộ vào TPHCM.

Đại tá Đoàn Quang Minh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM cho biết các lực lượng luôn túc trực để bắt tay vào việc khi có lệnh từ UBND Thành phố: “Hiện nay chúng tôi đã thực hiện đúng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tất cả sẵn sàng 100%. Lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện theo chỉ đạo của UBND và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM để xử lý các tình huống khi bão tới”./.