Trong ngày làm việc 17/8, HĐND thành phố Hải Phòng lựa chọn 5 lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, tài chính và nông nghiệp để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Kéo dài thời gian nhất là vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.  

Đối với vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế cho biết, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối, nhiều ngành chịu trách nhiệm, trong đó được giao cho 3 ngành chính là Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp. Trong đó, Sở Y tế được phân công là Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) như hệ thống làm công tác quản lý ATTP chưa thực sự quyết liệt, còn nhiều lúng túng trong công tác phối hợp liên ngành, việc giám sát, phát hiện, tố cáo của quần chúng còn hạn chế.

hai_phong_3_vov_tvdj.jpg
Đại biểu tham dự cuộc họp HĐND thành phố Hải Phòng

Trách nhiệm của hệ thống về an toàn vệ sinh thực phẩm từ thành phố đến cơ sở trong thời gian vừa qua rõ ràng chúng ta phát huy chưa hiệu quả và chưa thực sự quyết liệt. Phối hợp liên ngành trong thời gian vừa vẫn còn đang lúng túng.

Giải pháp được Giám đốc Sở Y tế đề ra là ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quản quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm thì thành phố nên có cơ chế xây dựng các mô hình sản xuất sạch, mô hình tuyến phố ẩm thực an toàn, bếp ăn an toàn…

Trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường hiện nay trách nhiệm chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra lạc hậu; số lượng đơn vị cấp phép xả thải thấp. Sở Tài nguyên và Môi trường còn thụ động trong kiểm soát chất thải và ô nhiễm; chậm trong cấp phép xả thải, hậu kiểm về môi trường còn yếu kém. Bên cạnh đó, ý thức của chủ cơ sở sản xuất còn thấp; chưa công khai kết quả quan trắc môi trường.

Về giải pháp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đề nghị thành phố cho phép lắp đặt một số máy camera, hệ thống quan sát tự động tại một số điểm nóng để phát hiện, xử lý; kiện toàn bộ máy thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đối với việc thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra một số giải pháp và nêu lên một ràng buộc mà muốn tiếp cận vốn từ nước ngoài, các doanh nghiệp cần chú ý đến đó là vấn đề môi trường.

Các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ở thành phố Hải Phòng, Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ tiếp tục mở các khóa đào tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian cấp phép dưới 3 ngày làm việc.

Cũng trong chiều 17/8, ngành Tài chính cũng trả lời chất vấn về vấn đề đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách cho việc xây dựng nông thôn mới và xây dựng cơ bản.../.