Để chủ động phòng chống cơn bão số 2, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng đã chia thành 6 đoàn công tác, kiểm tra công tác phòng chống bão tại cơ sở.

Lực lượng chức năng đã kiểm tra tình hình thực tế tại bến phà Đình Vũ, đưa ra phương án vận chuyển hành khách an toàn từ đảo Cát Bà về đất liền. Hải Phòng chính thức cấm biển từ 17h ngày hôm nay (16/7).

vov_bao_2_diqn.jpg
Hai chiếc phà nhỏ đã được dừng hoạt động từ 13h ngày 16/7 để đảm bảo an toàn cho khách.
Đến 14h30 chiều 16/7, bến phà Đình Vũ đi Cát Hải vẫn còn rất đông khách du lịch trong đó có cả khách chuẩn bị ra Cát Bà. Để đảm bảo an toàn cho du khách, toàn bộ số khách nước ngoài này đã được bố trí phương tiện để quay về đất liền.

Khách du lịch nước ngoài phải quay về đất liền vì cơn bão số 2.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, đến thời điểm này, phía bến phà Cái Viềng, thuộc đảo Cát Bà còn 87 xe ô tô; bến Phà Gót, địa phận Cát Hải còn hơn 100 xe ô tô các loại.

Để vận chuyển hành khách từ đảo Cát Hải về đất liền, Công ty đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng đã tăng chuyến phà.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng, từ 13h chiều 16/7, công ty đã cho dừng các phà nhỏ lại để đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện; Đồng thời tập trung 3 phà to và 1 phà nhỡ để chở tất cả các xe du lịch và khách du lịch và nhân dân. Công ty cố gắng chạy đến 16h-17h chiều chở hết khách về đất liền an toàn.

Rất đông khách và người dân di chuyển từ Cát Bà về đất liền.
Tuy nhiên, do sóng to, gió mạnh, đến 17h hôm nay, 2 chuyến phà cuối cùng trong ngày chỉ có thể chở người và xe máy. Hơn 90 đầu xe ô tô phải ở lại trên đảo Cát Hải.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện và người, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã có thông báo cấm biển từ 17h, đồng thời có văn bản yêu cầu UBND huyện Cát Hải có phương án bố trí chỗ ăn nghỉ, đảm bảo an ninh trật tự cho số lượng phương tiện còn bị kẹt trên đảo.

Hải Phòng có mưa lớn trên 200 mm sẽ có ngập úng cục bộ 

Thực hiện chỉ đạo của Ban phòng chống bão lũ Trung ương, ngay trong chiều 16/7, các trạm bơm đầu mối của thành phố Hải Phòng đã tập trung tiêu thoát nước đệm. Theo dự báo, nếu có mưa lớn trên 200 mm, Hải phòng sẽ có nguy cơ ngập úng cục bộ.

Hiện nay, thành phố Hải Phòng có 5 trạm bơm đầu mối gồm: Thượng Đồng, Cộng Hiền, Hải An, Quang Hưng - Bát Trang, Xi Phông - Gò Công phục vụ công tác tưới tiêu, phòng chống úng lụt. Để đề phòng những hậu quả do mưa lớn cục bộ của cơn bão số 2 gây ra, các trạm bơm này đang điều chỉnh mực nước đệm hợp lý bảo vệ lúa mùa.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng kiểm tra công tác tiêu thoát nước ở trạm bơm Thượng Đồng.
Theo ông Đoàn Văn Ban, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi-Sở NN&PTNT Hải Phòng, mực nước trong các hệ thống kênh mương thủy lợi đang ở mức thấp, có thể đón những trận mưa lớn trong đêm nay và ngày mai.  

“Tuy nhiên đợt này vào đúng thời điểm chân triều cao, tức là hiện nay nước kém, chân triều không xuống được sâu, vì vậy việc tiêu thoát nước cũng gặp một số khó khăn. Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo các công ty vận hành tất cả các cống có thể tháo nước được. Dự kiến 17h chiều nay, mực nước ở trong đồng sẽ ngang với mực nước ngoài sông. Các cống phải đóng từ 17h chiều và đến 3h sáng mai sẽ tiêu nước tiếp” – ông Đoàn Văn Ban nói.

Tại khu vực cống Trung Trang thuộc huyện An Lão, nơi tiêu thoát nước cho 6 khu vực quận, huyện khu vực nội thành, ông Nguyễn Văn Chọn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH một thành viên công trình khai thác thủy lợi Đa Độ cho biết, đến thời điểm này, mực nước trong các hệ thống ở mức thấp nhất để đảm bảo cho lúa mới cấy ở đầu mùa.

Đối với các công trình, côn ty đã thông sạch các cống trên hai triền đê sông Văn Úc và sông Lạch Tray cũng như trên đê biển 1 và đê biển 2. Tuy kinh phí còn hạn hẹp nhưng ưu tiên số 1 cho phòng chống thiên tai và bão lụt.

Theo phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT Hải Phòng, diện tích cấy lúa mùa của Hải Phòng khoảng 25.000 ha, đạt trên 66% diện tích. Hiện nay còn một số địa phương, diện tích cấy lúa mới đạt trên 40% diện tích như: huyện Thủy Nguyên, huyện An Dương. Ngoài diện tích lúa non, còn hơn 1000 ha mạ rải rác ở các huyện ngoại thành. Nếu có mưa trên 200 mm thì sẽ xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ. Chính vì thế, công tác tiêu thoát nước cần được các địa phương và các doanh nghiệp thủy lợi chủ động hơn./.