Tình hình giao thông từ nay tới Tết Nguyên đán 2016 còn nhiều diễn biến phức tạp, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông sẽ tăng lên. Hà Nội vẫn là một đại công trường với 13 Dự án giao thông trọng điểm, 24 điểm rào chắn thi công có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, vấn đề rào chắn dựng ra bỏ đấy nhưng không thi công ở dự án đường sắt đô thị khiến lực lượng chức năng làm công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông “bức xúc” nhất.

duong_sat_kqay.jpg
Rào chắn thi công gây cản trở giao thông.

Tại 24 điểm công trường rào chắn có nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội thì có đến gần một nửa là của hai Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội. Lực lượng thanh tra đã kiểm tra và lập biên bản 4 trường hợp vi phạm của các nhà thầu thi công, đơn vị thi công trên hai tuyến này khi không đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cho biết: Dự án đường sắt đô thị trong 1 tháng vừa qua đã được đẩy nhanh tiến độ thi công với việc tập trung 7 giàn khoan và 40 đầu thiết bị khác trên tuyến. Lý giải về việc công trường để trống không thi công, ông Hoàng cho rằng đó là quy trình yêu cầu, ví dụ như khoan cọc nhồi xong lại phải chờ kết quả xét nghiệm siêu âm... mới có thể thi công tiếp bước khác. Dự án sẽ sớm tháo rào chắn vào cuối năm khi thi công xong.

 “Dự án đã thi công 70 cọc nhồi, 22 bệ (mỗi bệ khoảng 20m3 bê tông), 20 trụ. Ban đang thực hiện đúng chỉ đạo của liên ngành Sở Giao thông vận tải và cảnh sát giao thông, đẩy mạnh thi công, sớm tháo rào chắn đường. Trong tháng 11 và 12 sẽ tháo khoảng 400m rào đường, từ đình Bắc Từ Liêm đến Văn Tiến Dũng; đoạn Xuân Thủy. Những nhà thầu thi công nào không tuân thủ chúng tôi đều xử lý”.

Đại tá Đào Vĩnh Thắng – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho rằng: Lưu lượng giao thông trên địa bàn thành phố cuối năm trên 15 tuyến trọng điểm là rất lớn. Trong khi đó, các nút giao thông đã quá tải 6 đến 7 lần đang tồn tại tiếp tục chịu áp lực rào chắn thi công nên rất khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn và hạn chế ùn tắc giao thông. Theo ông Thắng, thành phố đã phát hiện 24 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông tại các dự án đang thi công thì cần chỉ ra cá nhân, đơn vị không tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông công trường để xử lý, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. Với những điểm rào chắn tại công trường không thi công rào cần phải được mở ra hoặc thu hẹp phạm vi rào chắn.

Đại tá Đào Vĩnh Thắng nói: “Tại điểm rào chắn, các đơn vị thi công không có người phân luồng giao thông 24/24h, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường, cảnh sát cơ động. Trong khi theo Luật Giao thông quy định chủ thi công, nhà thầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ việc đảm bảo an toàn giao thông khu vực công trường của mình. Tại 3 điểm từ Nhổn ra Cầu Diễn: trước cửa số nhà 76,74 gần như rất ít thấy việc thi công, hay điểm Đại học Sư phạm gần như không thi công., cho người kiểm tra, lập biên bản nhưng không có người ký”.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá: Trong tháng 9, tình hình ùn tắc nghiêm trọng xảy ra ở thành phố, sau các giải pháp được triển khai tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến. Thế nhưng những tháng cuối năm tình hình giao thông sẽ còn nhiều áp lực. Ùn tắc giao thông khi hạ tầng giao không đáp ứng kịp, đây là vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì cũng có những lỗi chủ quan cần khắc phục như công tác tổ chức giao thông, thực hiện dự án. Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội cho rằng cần tiếp tục giảm các tuyến, lượt xe buýt đi vào các khu vực đang được rào chắn thi công dự án.

 “Đề nghị Trung tâm điều hành Giao thông đô thị nghiên cứu giảm lượng xe buýt đi vào giờ cao điểm tại các nút trọng điểm, xe có thể chậm hơn, người lên đông hơn nhưng đường còn lưu thông được nếu như ko giảm thiểu thì đường tắc, xe không lưu thông được; Kiểm tra, xử lý vi phạm các nhà thầu thi công sẽ được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tăng cường”.

Áp lực giao thông tại thành phố Hà Nội từ nay tới cuối năm sẽ liên tục tăng. Do đó, bên cạnh các biện pháp phân luồng, giảm tuyến, lượt xe buýt tại các khu vực có nguy cơ ùn tắc thì việc giám sát công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các Dự án đang thi công cũng là một yêu cầu cần thực hiện, đảm bảo được tiến độ của các Dự án giao thông. Tới cuối năm nay, hàng loạt các Dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội sẽ được hoàn thành như hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, nút giao Long Biên, đường Bưởi… hy vọng các công trình này sẽ giúp giảm ách tắc cải thiện tình hình giao thông của Hà Nội./.