Chiều 31/5, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, trong những tháng cuối năm 2016, Hà Nội sẽ thực hiện tổ chức lại các tuyến buýt có hướng tuyến và lộ trình trùng với lộ trình của tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến buýt nhanh BRT (Kim Mã- Yên Nghĩa). Từng bước tiếp nhận, đưa vào quản lý hạ tầng buýt BRT với 21 nhà chờ và 2 điểm đầu cuối.

vov_giao_thong_2_xrll.jpg
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội tại buổi thông tin báo chí.

Theo tính toán chuyên môn xe buýt BRT khi đi vào hoạt động dự kiến chạy với vận tốc trung bình 22km/h, trong khi tốc độ trung bình của xe ô tô đi trong thành phố là 15km/h.

Trao đổi với báo chí về việc chậm đưa tuyến buýt BRT vào hoạt động, ông Quang cho biết, đây là loại hình giao thông mới đi rất nhanh nên phải dành đường ưu tiên cho buýt BRT nếu không dành ưu tiên thì vấn đề an toàn giao thông ở tuyến này lại  vô cùng lớn. “Chúng tôi đang cùng các chuyên gia nghiên cứu tính khả thi để tổ chức giao thông ở tuyến này. Sở GT-VT cũng báo cáo thành phố và bàn với tổ chức JICA (Nhật Bản) tính toán quản lý và khai thác thế nào cho hiệu quả. Hiện nay vì là loại giao thông mới nên kinh nghiệm quản lý, tổ chức vận hành cũng là một cái rất mới nên chúng tôi đang đề xuất nghiên cứu, hỗ trợ giúp chuyên gia vận hành quản lý lĩnh vực này”.

Tuyến buýt BRT này, dự kiến trong quý 3/2016 này sẽ có nghiên cứu cụ thể. Hiện Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu báo cáo gấp để sang quý 4 năm nay đưa tuyến buýt này đi vào hoạt động.

Theo ông Quang việc quản lý điều hành có cái khó vì có những cái mới làm phát sinh những bất cập chứ không thể thực hiện ngay được. Về phía Sở Giao thông vừa làm vừa có theo dõi và điều chỉnh trong quá trình làm.

"Theo thiết kế tuyến xe buýt BRT đã chốt toàn bộ đường dành riêng 3,5m và có gờ ngăn toàn bộ đường. Nhưng đi vào thực tế cuộc sống triển khai thì thấy có chỗ làm được chỗ không nên phải tính toán lại", ông Quang nói./.