Theo thống kế sơ bộ, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có gần 300 làng nghề được công nhận. Cùng với những kết quả tích cực mà làng nghề mang lại như giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân thì nhiều làng nghề cũng đang đối mặt với một thực tế báo động, đó là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo một khảo sát mới đây của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Với thực trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, không khí... ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường một lượng chất thải tương đối lớn (hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, khoảng 150 m3 nước thải sinh hoạt).
Tại một số làng nghề, dễ nhận thấy mức độ ô nhiễm nguồn nước, không khí mà không cần thông qua quan trắc. Những làng nghề được liệt vào danh sách đen về ô nhiễm như tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), xã Vân Hà, Liên Hà (huyện Đông Anh), xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên), xã Dương Liễu, Cát Quế (Hoài Đức)…
Tại huyện Hoài Đức, nơi có 51 làng nghề, tình trạng ô nhiễm đang là nỗi bức bách, đe dọa môi trường sống, sức khỏe của người dân, nhất là tại 4 làng chế biến nông sản là Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Sơn Đồng. Do việc chế biến tinh bột, nên lượng nước thải thải ra môi trường tương đối lớn (khoảng 3 triệu 3/năm). Điều đáng chú ý là qua chế biến toàn bộ khối lượng nước thải được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.
Ông Trần Văn Lâu, người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức nói: “Môi trường ở đây kinh khủng khiếp lắm. Vào những ngày nắng to hoặc mưa thì bốc mùi hôi thối, nước thải từ cống rãnh làng nghề xả trực tiếp ra ngoài. Trước hết là người dân cũng chỉ biết đến vấn đề kinh tế, chưa chú ý đến môi trường, vấn đề nữa là chính quyền cũng chưa sát sao trong vấn đề này”.
Trong khi đó, tại các xã Vân Hà, Liên Hà (huyện Đông Anh) là tình trạng ô nhiễm từ sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Với hầu hết số hộ tham gia, nghề thủ công sản xuất đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ… là nguồn thu chính của người dân. Đặc thù tại các làng nghề thủ công hiện nay là gắn với sinh hoạt hàng ngày của người dân, trong khi việc sản xuất gỗ luôn làm phát sinh bụi, chất thải rắn (mùn cưa, phoi bào, bụi sơn...) đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, sức khỏe người dân làng nghề.
Nước thải tại làng nghề Tân Triều |
Ngoài việc thiếu mặt bằng sản xuất, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay là ý thức của người dân chưa cao trong bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe của chính mình. Đơn cử như tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)- nơi có tiếng về phát triển nghề dệt may, tơ sợi, thu gom tái chế phế liệu..., tình trạng nước thải đổ trực tiếp ra mương hồ; chất thải, rác thải chất đống dọc các tuyến đường, khu đất trống là điều thường xuyên. Phần lớn các cơ sở sản xuất đều nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nên không đủ vốn đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải, rác thải.
Thực tế đó đang “đẩy” môi trường làng nghề Tân Triều, nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km đến mức báo động. Bụi bặm, nước thải đặc quánh, bốc mùi tại các con mương đang bủa vây làng nghề.
Bà Lê Thị Huệ, trú tại làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nói: “Mỗi ngày ở đây nước thải xả ra mấy lần. Nước xả ra màu đen, màu nâu, rồi túi bóng ni long các loại vứt đầy xuống mương, có hôm còn cả xe bồn hút bể phốt. Đêm không ngửi nổi. Có người xả trộm đầu trên kia, nước chảy xuống đây vàng, đặc quánh. Chiều đến,tôi phải bịt mũi vào. Mùi khó chịu lắm. Tôi ở đây kiếm sống nên đành chấp nhận”.
Qua khảo sát của phóng viên VOV cho thấy, tại một số ít làng nghề tuy được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng nay cũng đã lạc hậu và xuống cấp, do đó việc xử lý không đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nước thải sinh hoạt và nước thải từ làm nghề chưa được tách riêng đối với khu dân cư...
Ông Nguyễn Văn Cường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, với thực trạng tại làng nghề Tân Triều hiện nay, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cũng như huyện đang có phương án để xử lý ô nhiễm: “Ô nhiễm môi trường làng nghề ở đây thì cũng đã được Tổng cục môi trường kết luận. Đối với làng nghề Tân Triều thì kết luận là 1 trong 8 làng nghề của thành phố Hà Nội cần được đưa vào xử lý về môi trường. Huyện cũng rất quan tâm đến vấn đề này, cùng với Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất xây dựng xử lý hệ thống nước thải tại làng nghề, theo hướng rào toàn bộ làng nghề, xây dựng hệ thống”.
Từ kết thực tế quả khảo sát tại địa bàn, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, quy hoạch chuyển đổi một số nghề và định hướng phát triển kinh tế tại các làng nghề gây ô nhiễm; có lộ trình di chuyển việc sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Cùng với đó là tổ chức thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng làng nghề, tạo nguồn thu cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải.../.
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở Hưng Yên
Hà Nội khánh thành nhà máy xử lý nước thải làng nghề lớn nhất cả nước