Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự kiến vào đầu năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội”, sau đó là “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng”.

Mặc dù chưa chính thức ban hành, nhưng một số quy định của dự thảo Bộ Quy tắc đang vướng phải những ý kiến khác nhau. Hiện, thành phố Hà Nội đang tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến và tiếp tục điều chỉnh để Bộ Quy tắc bám sát thực tế cuộc sống, nhận được sự đồng thuận.

van_minh_thanh_lich_orhf.jpg
Thành phố Hà Nội sắp ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội” (Ảnh minh họa).

Dự thảo mới nhất của Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước thành phố Hà Nội có 6 chương, 16 điều, với mục đích xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả.

Đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc ứng xử là công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội. Bộ Quy tắc đưa ra các nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản như quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan.

Còn Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm 3 chương, 8 điều, được áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân đang sinh sống, công tác, học tập và tham quan, lưu trú trên địa bàn Hà Nội, với mục đích xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bộ Quy tắc quy định những điều nên và không nên làm ở nơi công cộng như vỉa hè, lòng đường; quảng trường, tượng đài, công viên; khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, nhà ga, bến ô tô, bến tàu, sân bay; khu vui chơi giải trí… Đa số người dân, cán bộ công chức đều bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương này của thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Kim, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, nếu bây giờ có Bộ Quy tắc ứng xử thì rất tốt, người Tràng An phải ăn nói thế nào, ăn mặc thế nào để tôn trọng mình và tôn trọng người khác.

Tuy nhiên, một số người dân, cán bộ công chức vẫn tỏ ra e ngại tính khả thi của một số quy định Bộ Quy tắc ứng xử khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trong đó, đáng chú ý là một số quy tắc về trang phục như khuyến cáo công chức mặc áo có ống tay, có cổ áo, váy thì dài đến gối, không săm hình, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, khuyến cáo về cách ăn mặc nên tùy theo đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực chứ không thể cứng nhắc theo một quy định chung. Điều cần quy định nhất là cán bộ, công chức phải cư xử đúng mực, lịch sự, xử lý công việc đúng pháp luật và đúng thời hạn.

Việc ban hành “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” và “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội” là việc làm cần thiết trong bối cảnh Thủ đô hội nhập và phát triển như hiện nay, nhằm góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Song, những quy tắc ứng xử được ban hành cần mềm dẻo, linh hoạt và luôn phải phù hợp với văn hóa chung của con người, không nên đi vào chi tiết không cần thiết.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Bộ Quy tắc nên ngắn gọn và đi vào yếu tố giữ gìn và kế thừa thuần phong mỹ tục đồng thời tiếp thu cải biến để phù hợp những yếu tố hiện đại, phù hợp với xã hội văn minh chứ không nên quy định một cách quá chi tiết. Nếu quy định quá chi tiết thì vừa thừa, vừa thiếu, thậm chí quy định quá chi tiết thì đâm ra lệch lạc và sai thì không cần thiết.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội cho biết: 2 bộ quy tắc này không phải văn bản pháp quy, bắt buộc mọi công dân phải thực hiện, mà là đưa ra chuẩn mực chung, khuyến cáo người dân cùng thực hiện. Để ban hành được 2 Bộ Quy tắc ứng xử, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã nghiên cứu đánh giá thực trạng, điều tra xã hội học tại nhiều địa bàn trên toàn thành phố và thận trọng khi đưa ra quy chế để mọi cán bộ công chức và nhân dân ủng hộ, thực hiện.

Ông Tô Văn Động cũng cho rằng, Bộ Quy tắc này khi ban hành được cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Hà Nội đón nhận và thực hiện tốt hay không mới là điều quan trọng. Do đó, Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ được đưa ra để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thực hiện trước sau đó mới đến cộng đồng, người dân.

Trước nhiều ý kiến khác nhau về Bộ Quy tắc ứng xử sắp ban hành, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến và điều chỉnh một số câu từ trong dự thảo Bộ Quy tắc cho phù hợp, để khi ban hành, đưa vào thực hiện sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, cán bộ công chức Thủ đô./.