Tuy nhiên, không ít người lo ngại, việc cho phép các đơn vị giữ lại 2 xe công, đồng thời vẫn trả tiền cho các vị trí được khoán, nếu không giám sát kỹ dễ gây tốn kém thêm.

xe_cong_00_wqyr.jpg
Khoán xe công nếu công giám sát kỹ dễ bị trục lợi?(Ảnh minh họa)

Tiết kiệm hàng chục tỷ

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1215/QĐ-UBND, bắt đầu từ ngày 1/3, thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác đối với các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Theo quyết định, đối tượng áp dụng thí điểm gồm các chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Việc khoán xe công thí điểm lần này được thực hiện tại 8 cơ quan, đơn vị gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các quận, huyện: Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm. Thủ trưởng 8 cơ quan, đơn vị trên có thể chọn 1 trong 2 phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung như sau: Khoán kinh phí sử dụng ô tô cho từng chức danh, nhưng không vượt quá mức khoán tối đa 9,3 triệu đồng/người/ tháng;  khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh nhân đơn giá 13.000 đồng/km. Với cách khoán mới này, Hà Nội ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng/năm nếu thực hiện trên toàn thành phố.

Có thể nói việc thực hiện khoán xe công của Hà Nội lần này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Nhiều người khi được hỏi đều cho rằng, khoán xe công là một việc làm rất cần thiết, tiết kiệm tiền cho Nhà nước trong bối cảnh ngân sách đang hạn hẹp.

Đồng quan điểm trên, đại diện một huyện (xin được giấu tên) trên địa bàn Hà Nội cho biết, huyện tôi hiện có 3 xe công, riêng tiền sửa xe 1 năm/1 xe đã đủ tiền khoán cho 2 lãnh đạo đi công tác, chưa nói tiền xăng, lương lái xe... Chi phí cho xe liên tục tăng, mỗi tháng hết gần 20 triệu đồng/xe. “Tôi cho rằng chương trình khoán xe công của TP. Hà Nội sẽ thành công và nhận được sự đồng thuận cao bởi đa số cán bộ đều đi làm bằng xe của mình nên thực hiện khoán xe công không có gì bất tiện”, vị này nêu ý kiến.

“Khó tránh khỏi có kẽ hở trong hai phương án khoán, chẳng hạn như việc báo cáo về khoảng cách, mục đích, thời điểm di chuyển có chính xác hay không. Dù vậy, ta có thể kiểm chứng sự chính xác của những thông tin này bằng nhiều cách để giảm thiểu tối đa việc lạm dụng hoặc báo cáo thông tin không chính xác để trục lợi”.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Còn nhiều băn khoăn!

Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại, với việc cho phép các đơn vị giữ lại 2 xe công, đồng thời vẫn trả tiền cho các vị trí được khoán, có thể dẫn đến tình trạng tiền vẫn lấy nhưng xe vẫn sử dụng sẽ gây tốn kém thêm, lợi bất cập hại, không những không chống được lãng phí mà còn lãng phí hơn. Vì thế, cần nghiên cứu cụ thể và đã khoán thì phải khoán hết và thu hồi lại xe, không thể để đã khoán nhưng vẫn giữ lại xe công. Đặc biệt khi khoán kinh phí đi lại phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát. Ngoài ra, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho những người lái xe trước đây sẽ như thế nào?

Bên cạnh đó, mức khoán 9,3 triệu đồng/người/ tháng, chia bình quân hơn 400.000 đồng/ngày làm việc dù có đi công tác hay không. Có ý kiến cho rằng, mức khoán như vậy, nếu so với mức lương khởi điểm mà Nhà nước quy định hay thu nhập bình quân của một công nhân, nông dân thì quá cao.

Đánh giá về chủ trương khoán xe công của UBND TP. Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công của Hà Nội là một trong những bước đột phá, hiện thực hóa quyết tâm phấn đấu đi đầu cả nước về quản lý hành chính như là một trong những đô thị kiểu mẫu. Hai hình thức khoán này rất khả thi và phù hợp với thực tế. Với quyết tâm của thành phố, chắc chắn việc khoán này sẽ thành công. Hơn nữa, ở Hà Nội, nếu đi xe Uber hoặc một số hãng tắc xi khác thì giá cước chỉ bằng 2/3 mức khoán trong quy định này. Điều đó có lợi cho những người được khoán, sẽ kích thích họ thực hiện.

“Tuy nhiên, cần có quy định để tránh những trường hợp lạm dụng như tính tổng ki-lô-mét vượt quá thực tế di chuyển. Mặt khác, nếu có biến đổi về giá cả và quãng đường di chuyển trên thực tế của người được khoán vượt quá mức được quy định nên có sự xem xét điều chỉnh quy định này cho phù hợp với diễn biến thực tế” - TS. Nguyễn Minh Phong cảnh báo.

Đồng ý kiến, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, đây là một giải pháp tốt để tiết kiệm chi phí công, thay vì phải bỏ ra một số tiền để mua xe công, rồi chi phí cho bảo trì, bảo hiểm, lương tài xế… rất tốn kém. Hình thức khoán này tạo cho người sử dụng một tinh thần trách nhiệm là mình sử dụng bao nhiêu thì được đền bù bấy nhiêu và không có chuyện lãng phí.

Về ý kiến “mức khoán cao hơn lương của một công chức mới ra trường, liệu có hợp lý; tình trạng nhập nhằng nhận tiền mà vẫn sử dụng xe có xảy ra?”, ông Hiếu cho rằng: “Việc khoán xe không thể dựa vào mức lương cơ bản mà phải dựa trên cơ sở thị trường, giá xăng dầu, giá thuê xe... Tôi không nói số tiền đó phù hợp hay không, mà số tiền đó phải được tính toán trên cơ sở thị trường và không thể dựa vào lương của người được hưởng số tiền khoán đó. Đối với tình trạng nhập nhằng, nhận tiền mà vẫn sử dụng xe công vẫn có thể xảy ra khi mà tồn tại song song hai phương án như hiện nay. Thành ra, nếu đã là quy định thì phải có một thời gian nhất định để quy định đó đi vào thực tiễn và sau đó sẽ cắt giảm hoàn toàn xe công chứ không thể để tồn tại song song cả hai được”./.