Sáng 21/3, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm công tác điều dưỡng người có công với cách mạng.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Hiện nay, Hà Nội có 5 trung tâm điều dưỡng, trong đó có 4 trung tâm điều dưỡng luân phiên và 1 trung tâm thực hiện 2 nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên. Từ năm 1993 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức điều dưỡng luân phiên cho gần 300.000 lượt người, trong đó điều dưỡng tại gia đình cho gần 160.000 lượt người và điều dưỡng tập trung cho hơn 140.000 người tại các trung tâm với các trang thiết bị hiện đại, chế độ ăn uống cho các đối tượng đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đội ngũ cán bộ làm công tác điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao… Tuy nhiên, do tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên đối tượng điều dưỡng giảm tự nhiên hàng năm từ 1,5 đến 1,8%, vì vậy kế hoạch giao điều dưỡng hàng năm giảm tương ứng.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong 20 năm qua, công tác điều dưỡng luân phiên người có công tại các Trung tâm vẫn còn những hạn chế như: Đối tượng điều dưỡng có sự chênh lệch lớn về tuổi trong khi một số nội dung phục vụ chưa phù hợp; trình độ chuyên môn và chất lượng phục vụ của cán bộ công nhân viên chưa thực sự đồng đều.

Để khắc phục những tình trạng này cũng như nâng cao công tác điều dưỡng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đề nghị:“Để nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên đối với người có công thì đội ngũ làm công tác này phải có đức, trách nhiệm. Mặc khác, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các trung tâm, đồng thời báo cáo với thành phố để đầu tư cơ cở vật chất để đưa bà con đến điều dưỡng, nghỉ dưỡng có đầy đủ điều kiện hơn. Ngoài ra, cần đề cao tinh thần giáo dục các cán bộ trong ngành, xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tôn vinh các thế hệ đi trước”./.