Hà Nội đang thực hiện các bước triển khai cải tạo khoảng 1.155 nhà chung cư cao tầng với diện tích trên 5 triệu m2, trong đó thuộc diện quản lý của Nhà nước trên 1,8 triệu m2, ngoài ra là các nhà đơn lẻ, quy mô nhỏ, do cơ quan tự quản tiến tới bàn giao về thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn cải tạo hàng nghìn nhà biệt thự cũ, nhà cổ, các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954.
Chung cư cũ nát sẽ được cải tạo
Việc thực hiện công tác này thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong khi thành phố xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, bởi nhà chung cư liên quan đến nhiều đối tượng. Theo quy hoạch chung cư Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực nội đô lịch sử cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người; trong khi đó các chung cư cũ tập trung chủ yếu ở khu vực này. Do đó, việc đảm bảo bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, hạn chế tăng dân số khu vực này là không khả thi. Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu thành phố kiểm soát chiều cao các công trình trong nội thành nên việc khai thác dự án để cân đối tài chính của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Một khó khăn lớn nữa, hiện đa phần các nhà đầu tư đang trong quá trình thoả thuận quy hoạch, hoàn tất các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng và các thủ tục về đất đai liên quan. Tuy nhiên, trong giai đoạn này đã phát sinh rất nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là đòi hỏi về quyền lợi... Chưa nói đến, thực tế nhiều chung cư giải phóng mặt bằng rất khó khăn do các hộ cố tình không bàn giao lại nhà và có nhiều yêu sách không hợp lý.
Thực tế khó khăn trên, nên từ năm 2005 đến nay Hà Nội mới giải quyết được 1% số nhà chung cư cũ - một con số rất thấp so với kế hoạch đề ra. Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc trên, thời gian tới thành phố Hà Nội vừa xây dựng 4 nhóm biện pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là thành phố xác định đây là nhiệm vụ lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, khó giải quyết nên đưa vào nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Giải pháp nữa là ưu tiên xử lý nhà nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người sử dụng; việc cải tạo tuân thủ quy hoạch chung, không vì mục tiêu cân đối tài chính của dự án mà tăng sức ép lên hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị.
Thành phố sẽ bố trí nguồn ngân sách để thực hiện quy hoạch chi tiết và công bố công khai, không để nhà đầu tư tự lập quy hoạch chi tiết và tự thoả thuận với người dân, gây sức ép với cơ quan phê duyệt quy hoạch. Hà Nội sẽ phân loại theo khu vực để lập quy hoạch và có giải pháp chính sách phù hợp, trong đó đối với khu vực nội đô lịch sử thực hiện cải tạo với giảm mật độ dân số, khu vực nằm ngoài nội đô lịch sử cho phép xây dựng các nhà cao tầng theo quy hoạch.
Về biện pháp thực hiện cơ chế đầu tư, thành phố cho phép người dân trong phạm vi dự án nếu có hiệu quả kinh tế sẽ được cùng tham gia đầu tư theo phương thức góp vốn bằng chính quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Khi thực hiện cải tạo cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức BT; cho phép chỉ định chủ đầu tư có năng lực và chủ động quỹ nhà tạm cư để di chuyển dân.
Thành phố có cơ chế ưu đãi để giảm mật độ trong khu vực nội đô lịch sử, đối với người dân trong khu vực này nếu không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; nếu dự án không có đủ quỹ nhà để bố trí tái định cư tại chỗ, phải bố trí ngoài 4 quận nội thành cho phép áp dụng hệ số K=1,5 lần so với trường hợp dự án có đủ quỹ nhà để bố trí tái định cư tại chỗ và được ưu tiên thuê địa điểm kinh doanh tại khu vực được bố trí tái định cư.
Nếu chủ sở hữu bán căn hộ chuyển đi nơi khác được miễn các loại thuế liên quan đến việc mua bán cũng như thuế thu nhập cá nhân; được vay vốn ưu đãi và rất nhiều chính sách khác đối với các nhà đầu tư như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.../.