Những ngày này, cả đồng bằng sông Cửu Long luôn “nóng ran” vì diễn biến phức tạp từ BOT Cai Lậy. Hành động lặp đi lặp lại thu phí - xả trạm; các tài xế tìm đủ mọi cách phản ứng, nhà đầu tư sử dụng các chiến thuật khác nhau để đối phó, khiến BOT Cai Lậy luôn là tâm điểm của truyền thông và dư luận trong vùng và cả nước.
Chưa kể những tác hại gây bất ổn từ BOT Cai Lậy đã xuất hiện khi có cả các vụ ẩu đả do mâu thuẫn phát sinh; cuộc sống của người dân xung quanh trạm bị xáo trộn bởi sự lộn xộn, còi xe ầm ĩ suốt ngày đêm. Đó là chưa kể việc ách tắc giao thông liên tục đang làm thiệt hại vô cùng lớn đến hàng chục triệu bà con nông dân đang vất vả làm ra hạt lúa, con cá ở khu vực được coi là dễ bị tổn thương nhất nước này.
Hỗn loạn ở trạm thu phí |
Thiếu công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích các bên
Rõ ràng suy đến cùng, tranh chấp trong BOT giao thông xảy ra thời gian qua, trong đó có BOT Cai Lậy thực chất là giữa người sử dụng dịch vụ (người dân, chủ phương tiện) và người cung cấp dịch vụ (doanh nghiệp đầu tư BOT). Về bản chất, người sử dụng dịch vụ luôn muốn dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, càng rẻ càng tốt; trong khi bên cung cấp dịch vụ luôn muốn thu hồi vốn nhanh, lãi càng nhiều hiệu quả càng cao.
Do vậy, luôn có những xung đột về lợi ích nếu các bên không có sự thỏa thuận. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Giao thông Vận tải chính là trọng tài. Bộ với mong muốn có được cơ sở hạ tầng tốt để phục vụ sự phát triển chung phải thiết lập luật chơi, công bằng,minh bạch, sòng phẳng; tạo sự đồng thuận cho cả 2 bên.
Với BOT Cai Lậy mà cụ thể là làm thêm tuyến tránh để tránh ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A về bản chất có thể là không sai. Bởi cả ĐBSCL hiện nay, do điểm nghẽn lớn nhất là giao thông kết nối nên hàng hóa nông sản nông dân làm ra phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường độc đạo này. Tình trạng kẹt xe ở đoạn qua Tiền Giang vào các giờ cao điểm luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người lưu thông. Tuy nhiên, với lý do thiếu ngân sách, Bộ quyết định đề xuất phương án cho nhà đầu tư là Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang bỏ ra 1.300 tỷ đồng làm tuyến tránh và gia tăng cải tạo mặt đường quốc lộ 1A; đồng thời cho phép đặt trạm ngay trên tuyến quốc lộ là quá vội vàng, không đầy đủ.
Trước tiên, khi đặt trạm thu phí trên quốc lộ này mà chỉ tham khảo lấy ý kiến của các bên ở Tiền Giang là chưa đủ. Bởi trạm này tuy đặt vị trí ở Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng thực chất nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu cư dân khắp các tỉnh trong vùng. Vì Tiền Giang cũng được coi là cửa ngõ của miền Tây. Bộ và nhà đầu tư đã không tham vấn các tỉnh, thành trong vùng, nhất là hiệp hội vận tải các địa phương, các chủ phương tiện.
Cùng với đó là công tác truyền thông không tốt, người đi đường, báo chí chỉ biết tuyến tránh và gia tăng quốc lộ 1A được làm theo BOT khi trạm thu phí “bất thình lình” mọc ra và cuộc chiến tiền lẻ xuất hiện. Đó là chưa kể, số vốn thực chất nhà đầu tư bỏ ra đến nay dư luận vẫn cho rằng rất "tù mù” vì dự án được chỉ định thầu.
Tài xế đậu xe giữa trạm thu phí |
Khi làm BOT Cai Lậy cũng thể hiện sự thiếu tính khoa học khi ai cũng biết, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dù có chậm tiến độ nhưng đã ở giai đoạn giải phóng mặt bằng; chậm nhất là đến năm 2020 cũng phải xong. Khi đó sẽ có rất ít người đi vào tuyến tránh này. Việc đồng ý cho nhà đầu tư làm tuyến tránh và tăng cường trên quốc lộ 1A rồi đặt trạm thu phí để tìm kiếm lợi nhuận như hiện nay là theo kiểu "tính cua trong lỗ”.
Vì Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư có tính đến phương án nhiều người dân sẽ cương quyết không chi trả một khi trạm thu phí còn nằm trên quốc lộ? Rõ ràng, người dân cũng có lý khi cho rằng, quốc lộ 1A có từ rất lâu, chủ phương tiện đã đóng phí đường bộ hàng năm nên việc cải tạo tuyến đường phải làm từ ngân sách. Phương tiện lưu thông qua đây không phải trả tiền cho con đường mà thực chất họ đã đóng góp.
Việc nhà đầu tư bỏ vốn làm tuyến tránh thì đặt trạm thu phí ở đây là hợp lý; phương tiện nào đi qua sẽ phải trả phí. Cũng thấy rõ bất cập này, Ủy Ban thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết 437 ghi rõ "Đối với dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, chỉ áp dụng đối cho tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu”.
Đối thoại, thỏa thuận và giải quyết tranh chấp pháp lý
Ở ĐBSCL, từ khi có đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương đưa vào sử dụng dù có thu phí nhưng người dân vẫn vui vẻ chi trả. Bởi con đường đã giúp họ rút ngắn thời gian đi lại, không phải qua quốc lộ 1A bị ách tắc thường xuyên như trước.
Người sử dụng phương tiện đã lượng hóa được mức chi phí mình phải bỏ ra và đã không ngần ngại chi trả. Từ kinh nghiệm của đường cao tốc này cho thấy, nếu nhà đầu tư tính đúng, tính đủ, cung cấp dịch vụ tốt thì không lo bị khách hàng phản ứng, thiếu khách hàng.
BOT Cai Lậy đang thách thức niềm tin của người dân
BOT Cai Lậy hiện nay nếu các bên tiếp tục sử dụng các chiến thuật đối phó nhau sẽ dẫn đến xung đột lợi ích dai dẳng, có nguy cơ gây bất ổn xã hội. Do vậy, việc cần làm lúc này là Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư BOT cần dừng ngay việc thu phí để các bên cùng đối thoại; tìm kiếm cơ chế giải quyết theo kiểu thỏa thuận, các bên cùng có lợi.
Mặt khác, việc công khai, minh bạch về dự án cần được thông tin rộng rãi để các bên cùng chia sẻ trách nhiệm khi xuất hiện dịch vụ. Nếu tiếp tục không thống nhất, cần giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật, trong đó dứt khoát có việc trạm thu phí phải di dời vào tuyến tránh và tiến hành việc đền bù cho các bên.
Từ BOT Cai Lậy hiện nay cho thấy, đã đến lúc các cấp, các ngành cần xây dựng, hoàn chỉnh các cơ chế pháp lý đầy đủ, chi tiết mang tính bắt buộc khi tiến hành bất cứ dự án BOT giao thông nào. Bởi về lâu dài khi những lợi ích của các bên không được đảm bảo hài hòa, xung đột lợi ích xảy ra, BOT lại vô tình trở thành những điểm nóng như Cai Lậy hiện nay sẽ gây tác động khôn lường./.
Theo bạn, nên giải quyết trạm BOT Cai Lậy theo hướng nào?
BOT Cai Lậy tiếp tục ùn tắc, 2 lần xả trạm
Toàn cảnh quy trình và các mốc thời gian đáng nhớ của trạm BOT Cai Lậy