Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận thông tin, năm nay, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước sẽ dùng chung phần mềm xét tuyển theo hướng, Bộ gom dữ liệu của các trường để thực hiện xét tuyển chung, nhằm giảm tỷ lệ thí sinh ảo.

Thế những, lãnh đạo một số trường cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt buộc các trường phải tham gia xét tuyển chung là không để các trường được tự do xét tuyển theo Luật Giáo dục Đại học.

thi_sinh_2_rfjl.jpg
 

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc xét tuyển tập trung chỉ là giải pháp kỹ thuật, không phải Bộ ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu. Thế nhưng, lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, theo quy định của Luật Giáo dục Đại học trao quyền tự chủ cho các trường tuyển sinh.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin, dữ liệu thi cho các trường thì phù hợp, nhưng bắt buộc các trường phải tham gia xét tuyển chung là không đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của từng trường. Thực tế hiện nay có nhiều trường đã có đề án tuyển sinh riêng, một số trường có nhiều phương án xét tuyển như: xét tuyển học bạ, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, hoặc bổ sung các hình thức sơ tuyển khác nhau.

Nếu phải xét tuyển chung thì sẽ rất khó có phương án phù hợp cho tất cả các trường.

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Học viện Ngân hàng, cho biết: "Cũng phải thận trọng, giải quyết nhiều vấn đề tiếp theo bởi vì khi giải quyết một số lớn tất cả các trường cả nước xét tuyển chung thì phức tạp hơn nhiều. Nhưng phức tạp hơn chính là mỗi trường lại có một tiêu chí phụ riêng, thậm chí họ có thể đưa ra sơ tuyển, hoặc những cái phù hợp với ngành nghề của họ thì cũng tương đối phức tạp. Phải rất thận trọng, nếu chủ quan sẽ gặp rắc rối, khúc mắc trong vấn đề xét tuyển".

Trong trường hợp để các trường được quyền lựa chọn tham gia xét tuyển chung, thì với những trường không tham gia xét tuyển chung có được tiếp cận dữ liệu thi của thí sinh công bằng hay không? Nếu nhiều trường không tham gia xét tuyển chung thì rõ ràng việc làm này của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có mấy ý nghĩa.

Về giải pháp kỹ thuật để chống thí sinh ảo, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn về việc xảy ra sự vi phạm quyền lợi của thí sinh nếu xét tuyển chung: "Khó ở chỗ là những gì Bộ Giáo dục- Đào tạo đã hứa với các trường đại học, hứa với thí sinh qua các quy chế là phải thực hiện. Cho nên vấn đề là mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng thì bây giờ nói chống ảo thì chống như thế nào. Không cho phép thí sinh trúng tuyển cả 2 trường nữa hay là vẫn cho phép  thí sinh trúng tuyển cả 2 trường. Vấn đề chọn trường nào để nhập học thì là quyền của thí sinh, thì như vậy cũng không thể làm giảm ảo được".

Một số ý kiến cũng băn khoăn, khi xét tuyển tập trung thì việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển là do trường hay Bộ Giáo dục- Đào tạo quyết định vì tất cả dữ liệu của thí sinh đều nhập vào hệ thống phần mềm do Bộ quản lý. Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều trường cũng lo ngại khi các trường đồng loạt đưa dữ liệu vào phần mềm xét tuyển rất dễ xảy ra tình trạng nghẽn mạng như năm 2015, gây sự rắc rối cho các trường và thí sinh.

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nói: "Nếu tập trung vào thì cũng có một số khó khăn như năm ngoái. Tức là bằng cách kiểm tra giám sát nguồn dữ liệu kia thì nó cũng gây ra chậm trễ về vấn đề truy cập vào nguồn dữ liệu chung. Tức là có thể sẽ phải mất thời gian chờ đợi giữa cơ sở với nguồn dữ liệu của Bộ cung cấp vì mạng của mình nhiều khi còn trục trặc với thứ 2 là người thường trực ở đấy cũng không phải đơn giản".

Nhiều trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố giải pháp kỹ thuật của phương án xét tuyển tập trung và các hướng dẫn cần thiết để các trường và thí sinh yên tâm chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016./.