Sau vụ hỗn chiến cướp gỗ huê xảy ra vào cuối tuần qua tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc vùng đệm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đã tăng cường lực lượng truy bắt những kẻ gây rối trật tự công cộng, đồng thời vận động người dân không vào rừng tìm kiếm gỗ huê.

Bề ngoài, những làng quê thuộc các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch và Xuân Trạch đã trở lại yên bình. Tuy nhiên, đằng sau cái yên ả đó vẫn âm ỉ những cuộc chiến chưa có hồi kết, bởi các đầu nậu mua bán gỗ huê, các băng nhóm vận chuyển, khai thác gỗ trái phép còn tranh nhau tìm kiếm những phách gỗ huê còn lại trong rừng.

Cây cầu Xuân Sơn, sân bay Khe Gát, trên đường Hồ Chí Minh lịch sử đã không còn cảnh gậy gộc, gỗ đá sau trận hỗn chiến cướp gỗ huê hồi cuối tuần qua. 6 đối tượng được các đầu nậu thuê gùi cõng gỗ huê từ rừng Hung Trí, xã Xuân Trạch ra bìa rừng để tìm cách đưa về xuôi đã được Công an huyện Bố Trạch và Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ lấy lời khai ban đầu.

phogn-nha1.jpg

Những phách gỗ huê bị bắt giữ

Đã có 4 người khai nhận việc gùi cõng và cất giấu gỗ huê cũng như tham gia cướp lại gỗ huê. Cho đến lúc này, họ vẫn không chịu khai rõ nơi cất giấu cũng như chủ đầu nậu mua bán gỗ huê.

Đối tượng Nguyễn Văn Thông, ở thôn 2, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch vẫn quanh co, chối bỏ việc tổ chức gùi cõng, cướp gỗ mặc dù lực lượng Công an đã đưa ra bằng chứng rõ ràng.  Những ngày qua, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã thuyết phục người dân không vào rừng tìm kiếm, gùi cõng gỗ huê. Tuy nhiên vì giá trị của gỗ huê là quá lớn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên vẫn còn nhiều người dân lén lút vào Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đưa gỗ ra khỏi rừng, và nạn cướp giật gỗ vẫn chưa dừng lại.

Vào khoảng 20h ngày 7/5, tại thôn xóm Mới, thôn Bàu Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, đội kiểm lâm cơ động số 1, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã vây bắt 5 đối tượng gùi cõng gỗ huê, thu giữ 5 phách gỗ huê, tổng trọng lượng 366kg, trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong đó có phách nặng tới 95kg. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đội kiểm lâm cơ động đã phải đi vòng nhiều đường, nhiều lần đổi xe, tráo hàng và có sự hỗ trợ của các lực lượng khác.

Ông Nguyễn Tiến Sự, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: “Nhờ các lực lượng phối kết hợp vào cuộc, mạng lưới thông tin từ quần chúng nhân dân, sau khi cuộc họp triển khai và lãnh đạo cấp trên giao, đúng 20h ngày 7/5, chúng tôi đã phá vụ án đầu tiên”.

Trạm kiểm lâm liên ngành được tăng cường lực lượng

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình, được giao quản lý hơn 85.000 ha rừng, với lực lượng kiểm lâm viên đông hơn gấp 5 lần quân số của Đội Kiểm lâm cơ động. Thế nhưng nhiều ngày qua, sau khi 3 cây gỗ huê bị đốn phá và cất giấu trong rừng, lực lượng này tỏ ra không hay biết gì?

Một số cán bộ và người dân huyện Bố Trạch cho rằng: Một ông chủ mất của mà không thấy xót, cũng không thấy kêu cứu và không truy tìm kẻ trộm. Dư luận nơi đây rộ lên thông tin lâm tặc và thương lái đã có sự móc nối để đưa khá nhiều gỗ huê ra khỏi rừng?

Để tìm câu trả lời, Phóng viên Đài TNVN đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha –Kẻ Bàng nhưng đều bị từ chối. Còn Đại tá Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình thì khẳng định: “Có hay không việc móc nối giữa cơ quan chức năng, đặc biệt là kiểm lâm với lâm tặc, chúng tôi không khẳng định. Thông tin đó lực lượng công an có nhận được. Chúng tôi quán triệt rất rõ, lực lượng công an không vào rừng nhưng tăng cường kiểm tra tuần sát, đi liền với đấu tranh chống tiêu cực, không vi phạm trong tuần tra kiểm soát”.

Lượng gỗ huê vẫn còn nằm ở trong rừng nên nhiều người vẫn kéo nhau vào rừng tìm kiếm, gùi cõng. Và vì vậy, cuộc chiến giữ rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn nhiều cam go, phức tạp./.