Sáng 25/7, tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước, trong đó có các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về Biển Đông.
22 tham luận được trình bày tại hội thảo đã đi sâu phân tích chính sách quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp thông qua việc chấp hành luật lệ quốc tế, phương thức quản lý xung đột bằng con đường ngoại giao, ôn hòa để giữ gìn Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc 46001 đâm chính diện mạn trái tàu 4032 của Việt Nam
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Hội thảo này rất quan trọng vì những nhà khoa học, những nhà làm luật sẽ có đóng góp tiếng nói để làm sao mỗi quốc gia đều phải dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào truyền thống để bảo vệ sự ổn định của vùng biển này. Làm sao để giao lưu thuận lợi, trở thành một nơi hòa bình, nơi mà ngư dân Việt Nam sẽ đánh bắt cá bình thường từ bao đời nay và nơi mà tranh chấp sẽ được gác lại.
Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định: Biển Đông là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng. Việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong những năm gần đây không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn ngư dân đánh bắt cá lâu đời tại ngư trường truyền thống, mà còn đe dọa nền hòa bình, quyền tự do hàng hải của các quốc gia trên thế giới. Do đó, không có cách nào khác là phải giữ gìn Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế thuộc Viện Đại học George Mason, Hoa Kỳ cho biết: “Nếu mà có những xung đột thì ngư dân không được bảo đảm và bị thiệt hại, cho nên giải pháp lâu dài vẫn là tạo điều kiện để cho ngư dân có thể tiếp tục đánh cá trong những ngư trường truyền thống của họ. Tôi nghĩ là phải căn cứ vào luật quốc tế. Muốn làm được như vậy thì phải có thiện chí, đòi hỏi phải khéo léo và phải kiềm chế những tham vọng quá đáng”.
Trong khuôn khổ hội thảo, trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng tổ chức đợt triển lãm bản đồ thể hiện chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa-Trường Sa. Triển lãm trưng bày 90 tấm bản đồ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sưu tầm trong hơn 50 năm qua, trong đó có tấm Hồng Đức bản đồ của Việt Nam được vẽ từ năm 1490 - một trong những bằng chứng, chứng cứ lịch sử khẳng định từ rất xa xưa, Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam./.